Đồng sàng dị mộng

Giới chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/11 cho biết, Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên khối này sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư sau khi nảy sinh bất đồng giữa Pháp và Italy.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SIMON NSAKA
Biếm họa: SIMON NSAKA

Dự kiến, cuộc họp bất thường trên sẽ diễn ra vào ngày 25/11 tới. CH Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho hay “các bộ trưởng sẽ giải quyết tình hình hiện tại trên mọi tuyến đường di cư”.

Căng thẳng trong quan hệ giữa Pháp và Italy đang leo thang do mâu thuẫn về việc tiếp nhận khoảng 230 người di cư được tàu Ocean Viking (treo cờ Pháp) của tổ chức từ thiện SOS Địa Trung Hải giải cứu. Tuần trước, tàu này đã cập cảng Toulon của Pháp sau khi Italy từ chối tiếp nhận. Paris đã chỉ trích quyết định của Rome và tạm ngừng kế hoạch tiếp nhận 3.500 người di cư hiện đang ở Italy. Kế hoạch này vốn là một phần trong cơ chế phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của châu Âu.

Trong khi đó, Chính phủ Italy cho rằng phản ứng của Pháp là “vô lý” và tuyên bố chỉ hỗ trợ người di cư vì mục đích nhân đạo như trẻ em, phụ nữ mang thai… Italy cũng cho rằng tàu cứu hộ treo cờ nước nào thì nước đó phải tiếp nhận. Trước đó, Italy mới chỉ cho phép tàu cứu hộ Humanity-1 treo cờ Đức cập cảng để kiểm tra những trường hợp đủ tiêu chí được phép xuống tàu, những trường hợp khác sẽ phải rời khỏi lãnh hải của nước này.

Người di cư vào EU thông qua nhiều tuyến đường khác nhau, trong đó có cả qua ngả Tây Balkan, đang gây quan ngại cho các quốc gia thành viên EU. Ngày 14/11 vừa qua, Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) cho biết, trong 10 tháng qua, có tới 275.500 người đã di cư bất hợp pháp vào EU, tăng 73% so cùng kỳ năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2016.

Trong bối cảnh làn sóng di cư trái phép dâng cao, đáng nhẽ các quốc gia châu Âu cần có biện pháp phối hợp giải quyết chặt chẽ, thì nay lại phát sinh mâu thuẫn về tiếp nhận người tị nạn. “Quả bóng di cư” được đá đi, đá lại giữa các thành viên EU cho thấy tình trạng “đồng sàng dị mộng” vẫn còn tồn tại, gây khó khăn cho các nỗ lực ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp vào “lục địa già”.