Dừng sản xuất và thu hồi các mẫu thực phẩm không đạt

NDO - Gần đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, nhu cầu thực phẩm thường tăng cao hơn so ngày thường, cho nên nên các cơ sở kinh doanh cũng tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường, nhất là các sản phẩm như: thịt, cá trứng, sữa, bánh kẹo, mứt... tăng rất cao dịp này. Đây cũng là thời điểm có xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại các địa phương trong dịp này.
0:00 / 0:00
0:00
Dừng sản xuất và thu hồi các mẫu thực phẩm không đạt

PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, để bảo đảm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân cũng như ổn định thị trường thực phẩm Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023, triển khai từ 5/12/2022.

Theo kế hoạch, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp này có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

Tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật để người sản xuất, kinh doanh biết trách nhiệm của mình từ khâu đăng kí, kiểm nghiệm điều kiện sản xuất, công bố, giám sát nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia...; phổ biến để các cơ quan quản lý thực hiện các cấp từ kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm...; phổ biến, tuyên truyền để người tiêu dùng biết trách nhiệm của mình như mua, sử dụng thực phẩm đúng hướng dẫn nhà sản xuất, chọn, bảo quản thực phẩm...

Đánh giá kết quả bước đầu công tác kiểm tra, giám sát, PGS, TS Nguyễn Thanh Phong nhận định: Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã thực hiện tốt công tác lấy mẫu. Song song với đó, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng kiểm nghiệm trả kết quả sớm, ưu tiên kết quả các đoàn thanh tra kiểm tra gửi để có kết quả không đạt phải thông báo ngay để dừng sản xuất, thu hồi sản phẩm. Kết quả ban đầu cho thấy, các số mẫu đa số đạt, chưa phát hiện sản phẩm gửi về Trung ương chưa đạt.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy các sản phẩm có nguồn gốc động vật vừa được các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh có nhiều cửa khẩu, các địa phương tập trung nhiều cơ sở sản xuất chế biến, các lò mổ, cơ sở chứa sản phẩm đông lạnh cũng đã phát hiện một số sản phẩm hết hạn hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chỉ tiêu an toàn vi sinh và chỉ tiêu khác đã bị cơ quan chức năng dừng lưu thông thu hồi và có thể bị tiêu hủy.

Đáng chú ý, sau hai đại dịch Covid-19, năm 2023, dịp lễ hội Xuân sau Tết Nguyên đán tại nhiều địa phương phục hồi lại các lễ hội những năm trước đây không triển khai được. Trong khi đó, có những lễ hội kéo dài vài ba tháng, đón hàng triệu lượt khách, lượng khách đến tham dự, vì vậy nhu cầu dùng thực phẩm, nước uống tăng cao.

Hiện nay đã có quy định Ban quản lý lễ hội chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý. Thí dụ, các sản phẩm bày bán phải có nguồn gốc xuất xứ, các cơ sở cố định phải yêu cầu bố trí như không gần nhà vệ sinh, nơi thông thoáng, lựa chọn nguyên liệu, nước sạch phục vụ chế biến, vấn đề rác thải cũng có quy định rất rõ... Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn về thực phẩm sẽ phối hợp Ban quản lý tăng cường giám sát để bảo đảm quy định pháp luật và cho người dân vui lễ hội, nhưng vẫn bảo đảm an toàn về thực phẩm.

Để mọi người dân được đón Tết Nguyên đán Quý Mão đầm ấm, vui, hạnh phúc bên gia đình, người thân, bạn bè và được an toàn về thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân sử dụng rượu bia ở mức cho phép để bảo đảm sức khỏe cũng như an toàn. Các gia đình đừng biến tủ lạnh thành kho dự trữ, vì hiện nay ngày mồng 1, mồng 2 Tết các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán, cho nên không nhất thiết phải tích trữ thực phẩm trước đây.

Mặt khác, người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, thực hiện sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vì có rất nhiều trường hợp hạn còn nhưng việc bảo quản sai dẫn đến tình trạng hạn sử dụng còn nhưng biến chất, sử dụng có thể bị ngộ độc.

Ngoài ra, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân ở phía bắc thời tiết thường hay có mưa xuân, độ ẩm cao nên các mặt hàng có dầu như hướng dương, hạt đậu phộng các hạt dẻ dễ bị nấm mốc, có độc tố ảnh hưởng sức khỏe.

Tại phía nam, dịp Tết Nguyên đán nhiệt độ cao dẫn đến các sản phẩm giàu đạm như thịt, cá bảo quản không tốt dễ dẫn đến tình trạng bị ôi thiu, mốc, hỏng… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp này.