Liên tục phát hiện sai phạm
Khoảng 8 giờ ngày 26/12/2022, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bắc Giang) chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan đã kiểm tra Công ty TNHH thực phẩm C.N (xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên), có hoạt động thu gom, sơ chế bảo quản sản phẩm động vật, phát hiện trong kho lạnh của công ty này lưu giữ hơn 700kg thịt lợn đông lạnh. Kết quả phân tích tại Trung tâm chẩn đoán thú y T.Ư cho thấy: Số thịt lợn trên có nhiễm virus bệnh dịch tả lợn châu Phi, được thu gom trôi nổi trên thị trường với giá rẻ rồi cung cấp cho người tiêu dùng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm và buộc tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn trên.
Từ khi triển khai kế hoạch cao điểm của Tổng cục Quản lý thị trường về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý các vi phạm. Đầu tháng 12, Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã phát hiện và xử lý một số sản phẩm từ thịt lợn có khối lượng 6,2 tấn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phát hiện 7,5 tấn lòng lợn, tràng trứng non của gà cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Gần đây, công an huyện Đông Anh, Hà Nội phát hiện một cơ sở sử dụng 700kg chân gà không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối để chế biến, đóng thành phẩm đưa ra thị trường. Mỗi ngày, cơ sở này đưa ra thị trường 1-2 tấn chân gà bẩn, vi phạm nhiều quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng Cục Quản lý thị trường) cho biết, thực phẩm bẩn năm nay chủ yếu là các sản phẩm đông lạnh và chế biến sẵn. Các sản phẩm đông lạnh bảo quản và đưa ra chế biến có thể đã được bảo quản rất lâu; hoặc các tổ chức, cá nhân kinh doanh gom hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của sản phẩm đó không bảo đảm. Cùng với đó, mỗi khi Tết đến xuân về, bánh mứt kẹo được bán rất nhiều, các tổ chức, cá nhân phi pháp lợi dụng việc này để đưa vào thị trường những sản phẩm không bảo đảm chất lượng như dùng các chất phụ gia không được phép, đường hóa học, các loại bột không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất; hoặc nhập khẩu, đưa vào tiêu thụ những loại hàng hóa chưa được kiểm định chất lượng. Ngoài ra, rượu cũng được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết và dịp này người tiêu dùng thường sử dụng phải những sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Theo ông Lê, địa bàn tiêu thụ thực phẩm bẩn chủ yếu tại các thành phố trực thuộc T.Ư, các thành phố thuộc tỉnh. Còn nơi sản xuất và bắt nguồn lại ở các tỉnh lân cận, các huyện, xã. Các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng và địa phương để sản xuất và đưa vào lưu thông.
Đáng lưu ý, thực phẩm bẩn không chỉ là những sản phẩm đã được sơ chế, chế biến, nguy cơ này còn có với cả những động vật còn sống. Gần đây nhất chính là vụ việc nhập khẩu bò sống vào Việt Nam. So với thịt bò nhập khẩu thì việc kiểm soát và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bò sống lại đang có những lỗ hổng.
Theo quy định, khi động vật chuyển đến biên giới, đơn vị nhập khẩu phải khai báo với cơ quan kiểm dịch cửa khẩu, nếu hồ sơ hợp lệ, động vật sẽ được kiểm tra sơ bộ và nếu không có dấu hiệu truyền nhiễm, phương tiện được tiêu độc khử trùng và được phép vận chuyển về khu cách ly để lấy mẫu xét nghiệm bệnh. Trả lời các cơ quan báo chí, ông Lê Đình Huệ, Chi Cục trưởng thú y vùng III cho biết: “Động vật nếu không có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì chi cục sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu và thông báo cho chủ hàng để làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh”.
Có một tồn tại, khi đã có giấy thì chỉ sau tám tiếng, trâu bò sẽ được chuyển về các lò mổ phía bắc. Tại đây các cán bộ thú y địa phương cũng sẽ chỉ lấy mẫu xét nghiệm bệnh còn các tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến việc miếng thịt đó có chất cấm hay không, có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thì chưa được thực hiện.
Giá thực phẩm ở các chợ đầu mối Hà Nội hiện đang giảm nhẹ. Ảnh: TTXVN |
Tăng chế tài xử phạt để chống “nhờn” luật
Ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, hiện nay lĩnh vực an toàn thực phẩm do ba bộ quản lý là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế. Việc mỗi bộ có quy định riêng về thanh, kiểm tra cũng đang gây khó khi áp dụng các quy định pháp luật trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó còn có tình trạng thiếu phương tiện, nhân lực thanh, kiểm tra, vì vậy các trường hợp vi phạm dường như chưa có dấu hiệu giảm đi.
Thực tế, trong quá trình kiểm tra giám sát, với thực phẩm như động vật sống, cần có sự chung tay của rất nhiều cơ quan khác nữa như Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Bởi các sản phẩm nhập khẩu vào, trước tiên hải quan sẽ biết ngay số lượng nhập vào và từ đó cung cấp cho các đơn vị nào có liên quan. “Nếu được cung cấp thông tin thì lực lượng Quản lý thị trường sẽ biết năm nay nhập bao tấn thịt bì về, đã được kiểm dịch ra sao về dư lượng kháng sinh. Ngoài ra, chế tài xử phạt cũng là vấn đề. Sở dĩ chủ các đơn vị kinh doanh sẵn sàng nộp phạt vì chế tài hiện nay quá thấp dẫn đến các cơ sở “nhờn” luật!”, ông Lê phân tích.
Nhiều chuyên gia đóng góp, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm cho cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các cấp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Với người dân, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn thông tin nhà sản xuất; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng. Cùng với đó, hạn chế sử dụng bia rượu phòng gây ngộ độc.
Lập sáu đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm
Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về an toàn thực phẩm đã giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức sáu đoàn kiểm tra liên ngành, đến 12 tỉnh, thành phố, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Cấp quận/huyện, xã/phường chủ yếu kiểm tra các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.