Đừng ngộ nhận

- Nhân chuyện… - Chuyện chi, anh Ba?

- Đoàn tàu trên cao ở Hà Nội bị vẽ bậy và nghe nói nhà thầu đòi đền bù chi phí để sơn lại lên tới 20 tỷ đồng.

- Chuyện đó em có biết, nhưng nhân chuyện đó, anh Ba muốn nói tới chuyện chi?

- Chuyện vẽ bậy!

- Ý anh Ba là…

- Là chú mầy có thấy nạn bôi bẩn, vẽ bậy cũng tràn lan khắp nơi ở thành phố mình không?

- Ờ, anh Ba có nói thì em mới nhớ ra. Chạy xe ôm tối ngày ngoài đường em thấy rất rõ chuyện đó mà. Nhất là ở mấy quận trung tâm. Người ta không chỉ phun sơn quảng cáo kiểu như khoan cắt bê-tông mà vẽ đủ thứ hình linh tinh lên bất cứ nơi nào có thể sơn, vẽ được.

- Hôm rồi đón năm mới, kẹt xe, anh Ba liền đưa tụi nhỏ đi lòng vòng ở Công viên 23-9 chờ hết kẹt. Đi tới đâu cũng thấy các hình vẽ lăng nhăng, linh tinh không thứ chi ra thứ chi cả. Từ trạm biến áp, tường nhà dân, tường công trình, nhà chờ xe buýt...

Ngay cả nhà vệ sinh công cộng hạng 5 sao được đầu tư hàng tỷ đồng cũng bị vẽ nhem nhuốc hết.

- Mà kể cũng lạ thiệt!

- Lạ sao Tư?

- Người ta phun sơn quảng cáo tùm lum còn có cái lý là để bán được hàng, để kiếm tiền chớ vẽ mấy cái hình lạ hoắc, lạ huơ đó thì có tác dụng chi đâu mà làm vậy!

- Nghe nói đó là một trào lưu vẽ tranh đường phố bằng phương pháp phun sơn nguệch ngoạc lên tường mà bên Tây gọi là Graffiti được du nhập vào nước ta qua nhiều con đường. Trong đó có sự góp sức của mấy người du lịch dạng “Tây ba-lô”. Rồi mấy thanh niên xứ mình thấy là lạ, ngồ ngộ cũng bắt chước.

- Mà không biết đó là…

- Là chi, anh Ba?

- Một dạng văn hóa hiphop, văn hóa “nổi loạn” không ích lợi chi cho cuộc sống. Chính ở phương Tây, người ta coi Graffiti như là một thứ “dịch bệnh” xã hội làm mất mỹ quan đô thị chớ đâu phải là nghệ thuật đích thực.

- Vậy mà không ít người cứ tưởng đó là một loại hình nghệ thuật hiện đại rồi bắt chước, làm bẩn thành phố. Tỉnh lại đi, đừng ngộ nhận nữa để đừng làm mất mỹ quan đô thị!