Đưa Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thành hình mẫu phát triển xanh, bền vững

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều thể chế, chính sách cùng các nhiệm vụ, đề án, dự án trọng điểm đã được thực hiện tích cực, giúp các tỉnh trong vùng tăng tốc phát triển, đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong vùng và với các vùng khác. Hiện nay, các tỉnh trong vùng đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, sẽ là hình mẫu phát triển xanh của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Những kilomet đầu tiên trên tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) đang được khẩn trương thi công. (Ảnh Đặng ANh Tuấn)
Những kilomet đầu tiên trên tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) đang được khẩn trương thi công. (Ảnh Đặng ANh Tuấn)

Bài 1: Tháo gỡ các nút thắt

Tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế; thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp FDI. Đó là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu đang được Trung ương và các địa phương trong Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ tập trung triển khai, tạo chuyển biến toàn diện về kinh tế-xã hội của vùng.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp và kinh tế biên mậu. Tuy nhiên, đây vẫn là “vùng trũng” trong phát triển kinh tế và là “lõi nghèo” của cả nước. Một trong những “nút thắt” lớn nhất là liên kết nội vùng và liên vùng kém.

Khơi mở giao thông kết nối nội vùng và liên vùng

Để tạo đột phá phát triển cho các địa phương trong vùng, hai năm qua, Trung ương và các tỉnh trong vùng đã tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Hàng chục dự án giao thông lớn, kết nối nội vùng và liên vùng đang được đồng loạt thi công trên địa bàn các tỉnh trong vùng.

Đưa Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thành hình mẫu phát triển xanh, bền vững ảnh 1

Thi công thảm nhựa đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang). Ảnh: HÀ LƯỢNG.

Dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang có chiều dài gần 105 km, quy mô hai làn xe, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, được triển khai thi công từ tháng 1/2024. Dự án hoàn thành sẽ hình thành hành lang phát triển kinh tế từ Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng tới các tỉnh miền núi phía bắc, khắc phục điểm nghẽn về giao thông liên kết giữa Tuyên Quang-Hà Giang, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đối với đoạn cao tốc qua tỉnh Hà Giang có chiều dài hơn 27 km, tổng vốn đầu tư 3.198 tỷ đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Thị Minh Hạnh cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh làm chủ đầu tư một dự án giao thông nhóm A có tổng vốn đầu tư lớn, thu hồi diện tích đất nhiều như vậy, vì vậy tỉnh đặt quyết tâm cao nhất nhằm hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Đối với đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang dài 77 km, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thiện Tuyên cho biết, các địa phương phấn đấu bàn giao tất cả mặt bằng cho đơn vị thi công trong năm nay, để đến cuối năm 2024 hoàn thành 40% giá trị hợp đồng và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025 theo đúng kế hoạch.

Có tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các tỉnh trong vùng và liên vùng là khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Cao Bằng bao đời nay. Vì vậy, ngay sau lễ khởi công tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) vào ngày 1/1/2024, tỉnh đã tổ chức lễ phát động chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cho biết, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực cố gắng, thiết lập “kỷ lục” về GPMB.

Trong 100 ngày, các địa phương đã vận động người dân bàn giao, ký cam kết bàn giao hơn 99% mặt bằng thi công tuyến đường cao tốc, dù người dân chưa nhận tiền đền bù GPMB. Đến nay, tỉnh đã bàn giao mặt bằng 41,26 km/41,35 km đường cho nhà thầu thi công, đạt 99,78% chiều dài tuyến thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng. Đối với đoạn trên địa phận tỉnh Lạng Sơn, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công 6km/52 km, bằng 11,63%. Các huyện Văn Lãng, Tràng Định đang tiếp tục thực hiện công tác kiểm đếm, tạm ứng tiền cho các hộ để di dời mồ mả, bố trí tái định cư...

Đưa Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thành hình mẫu phát triển xanh, bền vững ảnh 2

Tập đoàn Samsung là nhà đầu tư lớn nhất Thái Nguyên, chiếm hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Ảnh: Thế Bình.

Xác định khơi mở giao thông là khâu đột phá cho phát triển kinh tế, hai năm nay, từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường trọng yếu, mang tính động lực. Ðó là tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); hệ thống giao thông chung quanh hồ Ba Bể; đường cao tốc Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn…

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Kạn Nguyễn Anh Tuấn, triển khai dự án đường du lịch thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang huyện Na Hang (Tuyên Quang), Ban đã huy động nguồn nhân lực để thực hiện dự án, nhất là trong công tác GPMB. Bên cạnh việc bố trí cán bộ quản lý tại hiện trường, Ban đã lắp đặt camera theo dõi trên công trường 24/24 giờ, thường xuyên tổ chức họp trực tuyến với nhà thầu để đôn đốc tiến độ. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành đoạn tuyến từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể. Đoạn kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) đang được triển khai, phấn đấu đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Sau Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn, thì Lai Châu cũng là tỉnh có mức tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng do những nút thắt về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa bảo đảm kết nối với các địa phương trong khu vực, cả nước. Để tháo gỡ nút thắt này, hiện nay, Trung ương và tỉnh đang khẩn trương triển khai dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc và dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã được thi công từ năm 2019, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025. Tuyến đường hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối của Lai Châu với các tỉnh miền xuôi và với Thủ đô Hà Nội, thúc đẩy giao thương, phát triển dịch vụ logistics, kinh tế biên mậu, thu hút khách du lịch qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng (Việt Nam)-Kim Thủy Hà (Trung Quốc). Với dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, đến nay các thủ tục đang được các cơ quan liên quan gấp rút hoàn thiện để khởi công vào quý IV/2024, kết nối trung tâm du lịch Sa Pa (Lào Cai ) và huyện Tam Đường (Lai Châu).

Đưa Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thành hình mẫu phát triển xanh, bền vững ảnh 3

Nhà thầy huy động nhân lực, máy móc thi công cầu qua sông trên tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (đoạn qua địa phận Hà Giang). Ảnh: Khánh Toàn.

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đạt mức khá cao so với cả nước, vượt mục tiêu đặt ra. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng đạt 7,65%/năm (trong khi tốc độ tăng trưởng của cả nước là 5,19%). GRDP bình quân đầu người cũng gia tăng đáng kể, năm 2023, đạt 64,8 triệu đồng/người, tăng so với mức 52,8 triệu đồng/người năm 2020. Một số địa phương có mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào GDP chung cả nước, có vai trò dẫn dắt, đầu tàu phát triển vùng như Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ.

Tại các địa phương này, môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Bên cạnh đó, các tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông trọng điểm, tạo không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Những nỗ lực này đã tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã thu hút hơn 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2022 và là số vốn đầu tư thu hút được cao nhất từ trước đến nay. Sáu tháng đầu năm 2024, Bắc Giang thu hút hơn 1 tỷ 118,8 triệu USD quy đổi, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023; tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 14,14% cao nhất cả nước và đứng thứ bảy cả nước về thu hút FDI.

Có được kết quả này do lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức. Trong đó quy rõ trách nhiệm và thời gian giải quyết của từng nội dung, công việc liên quan các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đưa Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thành hình mẫu phát triển xanh, bền vững ảnh 4

Tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) đang được thi công, khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn. (Trong ảnh: Một đoạn tuyến đang được thảm nhựa). Ảnh: HÀ LƯỢNG.

Khi Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, xác định Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp, điện tử, tỉnh Thái Nguyên đã khẩn trương triển khai các giải pháp thu hút vốn FDI, trong đó ưu tiên thu hút các dự án FDI xanh, thân thiện môi trường, ít sử dụng năng lượng, lao động và đất đai.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương, để có cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các dự án đầu tư, tỉnh khẩn trương làm quy hoạch và đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, tỉnh đẩy nhanh việc triển khai để cuối năm 2024 hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông có tính lan tỏa lớn, kết nối vùng như đường vành đai 5-vùng Thủ đô Hà Nội kết nối với tỉnh Bắc Giang, đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc. Tỉnh tăng cường thu hút đầu tư các dự án FDI vào các khu công nghiệp hiện có; thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư các khu công nghiệp trong quy hoạch để tạo dư địa, mặt bằng sạch thu hút đầu tư.

Phú Thọ là tỉnh có tiến bộ vượt bậc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong những năm gần đây. Năm 2020, Phú Thọ vươn lên dẫn đầu 14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc về chỉ số PCI. Năm 2021, tỉnh xếp hạng thứ 20 cả nước, thì đến năm 2023, tỉnh vươn lên tốp 10 tỉnh, thành phố có điểm chỉ số PCI cao nhất cả nước. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ Trịnh Thế Truyền cho biết, tỉnh tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong GPMB gắn với tạo quỹ đất sạch; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; nắm bắt nhu cầu nhà đầu tư để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn…

Nhờ đó, từ năm 2021-2023, tỉnh đã thu hút 478 dự án đầu tư tư nhân (DDI), vốn đăng ký 56,9 nghìn tỷ đồng, 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký ước đạt 2.126 triệu USD. Ông Han Tae Wook, Tổng Giám đốc Công ty AlmusVina, Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ cho biết: “Chúng tôi quyết định đầu tư tại Phú Thọ bởi nhiều yếu tố, trong đó mặt bằng sạch sẵn có, nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống giao thông kết nối, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư hấp dẫn, thủ tục đầu tư thông thoáng. Bộ máy chính quyền năng động, điều hành hiệu quả cũng như có các giải pháp hỗ trợ, hợp tác và lắng nghe tiếng nói từ nhà đầu tư”.

(Còn nữa)