Tham dự diễn đàn có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Quế Đình Nguyên, cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn Hà Nội.
Diễn đàn nhằm hỗ trợ các nhà báo trang bị thêm kiến thức, tư duy về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong quá trình tác nghiệp; giúp các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến và là cầu nối giúp nhà quản lý hiểu hơn về thực tế triển khai chính sách về tài nguyên môi trường để có những điều chỉnh kịp thời.
Đồng thời, diễn đàn đưa ra những kiến nghị trong việc xây dựng và ban hành chính sách để quản lý và phát triển ngành tài nguyên và môi trường ngày một hiệu quả và đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào sự nghiệp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển theo hướng “xanh và bền vững” ở nước ta hiện nay.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn. |
Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh làm chiến lược và là lợi thế cạnh tranh; nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét. Do vậy, thời gian tới các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.
Từ thực tiễn đó cho thấy, chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”, đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo đó, sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội hướng tới giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: Diễn đàn “Nhà Quản lý-Nhà báo-Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” do Báo Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức đã trở thành sự kiện thường niên và là địa chỉ để các bên liên quan cùng chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực quan trọng, vấn đề “nóng” của ngành tài nguyên môi trường. Qua mỗi kỳ tổ chức, diễn đàn ngày càng nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của nhiều nhà quản lý ở cả Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Vì vậy, tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý của đại biểu đưa ra tại diễn đàn sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu để phục vụ nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Đồng thời, giúp lan tỏa và truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch, bền vững trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. |
Tại diễn đàn các chuyên gia, các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường nói riêng và các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh-kinh tế tuần hoàn ở các địa phương, doanh nghiệp; các cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xanh ở nước ta hiện nay; vai trò của báo chí truyền thông trong việc đồng hành, tuyên truyền và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế cả về chính sách và hoạt động của các doanh nghiệp.
Dịp này, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub (thuộc Hội Nhà báo Việt Nam) phát động Giải thưởng Phát triển Xanh lần thứ nhất (2023- 2025). Đây là một hành động thiết thực của giới báo chí đồng hành cùng thúc đẩy toàn xã hội, các doanh nghiệp hướng đến đích xanh của nền kinh tế trong tương lai.
Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nền kinh tế xanh là một khuôn khổ kinh tế lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên. Từ đó, tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững, ổn định nguồn lao động, duy trì hệ sinh thái, giảm thiểu rủi ro môi trường cũng như sự khan hiếm về tài nguyên.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 trách nhiệm: (1) Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và (2) Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55). Theo đó, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường