Xuân Hồng - Duyên lành đồng bằng - núi cao
Đi từ hướng thành phố Lai Châu về cửa ngõ thị trấn, sát quốc lộ 32C có một cổng làng thật lạ, riêng có ở vùng đất Lai Châu, mô phỏng theo dáng cổng làng xưa: “Thượng thu, hạ thách”. Mái cổng lợp bằng ngói đất nung kiểu mũi hài, ở giữa là cửa chính rộng; hai bên gồm bốn cột trụ, liền sát bên ngoài là hai cửa phụ được trang trí mang tính tượng trưng. Trong làng tuy không có mái đình, cây đa. Nhưng không gian, cảnh trí làm cho người ta liên tưởng đến vẻ yên bình của một làng quê Việt.
Trẻ con nơi đây vẫn hát những câu ca: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về Nam Định với anh thì về/ Nam Định có bến Đò Chè/ Có sông tắm mát có nghề cửi canh…”. Những câu hát ấy thường được mở màn cho một chương trình văn nghệ của bà con nơi đây. Thực tế đó những câu ca dao trong kho tàng văn hóa dân gian. Nhưng được các “nghệ sĩ” làng Xuân Khiêng đặt lời cho thỏa nỗi nhớ quê.
Những năm 60 của thế kỷ trước, hưởng ứng phong trào “Khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới”, 30 hộ gia đình, 162 nhân khẩu của làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định), đã tình nguyện viết đơn lên miền núi cùng với các đồng bào dân tộc Tây Bắc. Hôm nay, mỗi khi nhắc đến ngày chia tay quê hương đi xây dựng vùng kinh tế mới, thì những hình ảnh của 50 năm về trước với ông Đặng Hùng Giao (82 tuổi), nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Xuân Khiêng đầu tiên lại như mới ngày hôm qua. Ông kể: “Ngày 1-4-1965, bà con nhân dân xã Xuân Hồng tập trung kín sân kho HTX. Những cái bắt tay, những cái ôm đến nghẹt thở như không muốn rời. Cảnh chia tay bịn rịn nhiều người không cầm được nước mắt…”.
Sau tám ngày ròng rã, người vai gánh, đầu đội, tay xách, nách đeo, ngày đi, đêm nghỉ, lội suối trèo đèo. Sau những đận thót tim vượt 17 cổ gà lên đỉnh Khau Co, xuống gần hai chục khúc cua đèo Khau Phạ (Yên Bái). Cuối cùng đoàn đã đặt chân tới bản Khiêng vào ngày 8-4-1965 (tức ngày 7-3 năm Ất Tỵ), và ngày 7-3 âm lịch hằng năm được chọn là ngày hội truyền thống của làng. Đến nơi ai cũng mệt mỏi rã rời. Nhưng trước cảnh bà con bản Khiêng đón tiếp nồng nhiệt, tận tình, trông ai cũng rạng rỡ. Rồi cờ, băng-rôn, biểu ngữ giăng đỏ đường chào đón đoàn. Bỗng dưng cái lạ lẫm, đói, mệt, trong mỗi người như tan biến. Sau những cái bắt tay thân mật, là những cử chỉ thân tình: người xách đồ, rót nước, lấy khăn rửa mặt… tất cả cứ ùa đến cảm giác như người thân đi xa trở về. Ban đầu chưa có nhà ở, nên mỗi hộ sẽ ở chung với một gia đình bà con bản Khiêng. Phải sau một tháng thì đoàn nhận mặt bằng định cư và ổn định sản xuất. Để nhớ cái ơn đùm bọc của bà con bản Khiêng, sau khi ổn định trên vùng đất mới. Bà con quyết định đặt tên làng là Xuân Khiêng (lấy tên đầu của xã Xuân Hồng ghép với tên bản Khiêng), sau này HTX Xuân Khiêng từ đó mà thành lập.
Hát chèo để yêu quê mới
Muốn biết về gánh hát Xuân Khiêng hãy tìm đến ông, muốn biết tiếng chèo Xuân Khiêng có từ khi nào trên miền “đất gió” thì đến gặp ông. Bà con nơi đây gọi ông với cái tên như biểu hiện một sự kính trọng và biết ơn: “Người lưu giữ các làn điệu chèo cổ”, ông là Đặng Nguyên Thử, nguyên Đội trưởng đội văn nghệ, thầy giáo vỡ lòng đầu tiên của làng Xuân Khiêng.
Căn nhà làm theo lối kiến trúc vùng nông thôn Bắc Bộ, khung nhà làm bằng cột gỗ, mái ngói, tường trát vách xi khá đơn sơ, nhưng thật lịch thiệp và trân trọng. Trên các bức tường của căn nhà, hàng chục tấm bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận… là thành tích của các thành viên trong gia đình ông. Các nhạc cụ nghệ thuật chèo được lưu giữ trang trọng, được ông giới thiệu như những “người bạn” cùng ông như hình với bóng. Đây là cây đàn tam đã nhẵn thín, mòn vẹt chỗ tay nắm, kia cây sáo trúc sẫm như mầu bồ hóng, thanh la đã lõm vết chạm…
Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn có thể nhớ và hát được hơn 30 làn điệu chèo cổ. “Vốn liếng” của ông đến nay là hơn 20 tiểu phẩm, hoạt cảnh chèo do chính ông biên soạn. Trong những thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ trước, cái tên chiếu chèo Xuân Khiêng như một làn gió mới trong sự đợi chờ của bà con vào các buổi tối. Lúc khỏe, ông Thử lại truyền dạy cho con cháu những làn điệu chèo cổ của quê hương.
Ông trầm ngâm nhớ thời còn nhỏ: Cậu bé Thử say chèo lắm, hễ cứ nghe trống chèo thi nhịp ở đâu, ông và lũ bạn lại chuẩn bị đóm, đuốc để tối đi xem. Có hôm bỏ cả cơm tối đến thật sớm vì sợ không có chỗ. Lớn lên vì quá yêu môn nghệ thuật truyền thống này, ông xin vào gánh hát chèo của làng Hành Thiện. Ban đầu chỉ là chân anh gánh hòm đồ, trải chiếu sân đình phục vụ gánh hát. Sau ông được các nghệ nhân truyền dạy, với niềm say mê, yêu chèo và năng khiếu bẩm sinh, dần dần ông trở thành kép chính có hạng của phường chèo Xuân Hồng. Trước khi đưa gia đình cùng đoàn lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới, ông còn diễn phục vụ bà con vở chèo cổ “Lưu Bình Dương Lễ”.
Rồi lên vùng đất mới, anh kép Thử chẳng thể nào quên được cảnh hằng đêm giặc Mỹ rải bom ùng oằng trên trời như sấm tháng sáu. Ngày bà con sơ tán vào rừng trú ẩn, đêm đến lại đốt đuốc ra đồng. Lớp học vỡ lòng của thầy Thử được bà con dựng ở ngay bìa rừng, cũng chỉ là tranh tre nứa lá, những cái bàn cũng là những cây rừng ghép lại, lớp học thật đơn sơ. Trong những ngày tối tăm, gian khổ ấy, nơi rừng xanh núi thẳm, tiếng thầy cứ ấm nồng như hơi thở của núi, của rừng. Và ở nơi ấy người ta vẫn thấy lanh lảnh tiếng trẻ đọc bài. Ngày đầu ổn cư, bà con gặp muôn vàn khó khăn, nhưng cái đáng sợ nhất là nỗi buồn, nhớ quê, nhớ gia đình. Nhiều người đã nản chí muốn quay về xuôi…
Nhiều đêm suy nghĩ, anh giáo Thử quyết định phải làm một cái gì đó để lấy lại tinh thần cho bà con có thêm niềm tin vào ngày mai. Sau những buổi lao động sản xuất tập thể, trong giờ giải lao. Bao “vốn liếng” văn nghệ tích cóp được thầy phô diễn. Mượn những nhân vật trong chèo để pha trò, mang đến tiếng cười cho mọi người. Như những thanh củi đang cháy lụi đến mẩu cuối cùng, bỗng gặp gió lại bùng lên, mọi người hòa theo, nhập cuộc bằng những câu chèo và cái buồn tự dưng tan biến. Và đội văn nghệ HTX Xuân Khiêng ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Giữ gìn như báu vật
Ngoài những vở chèo cổ, ông Thử biên soạn những tiểu phẩm, hoạt cảnh mới phù hợp hoàn cảnh bà con lúc bấy giờ như vở: “Con lợn sổng chuồng”, “Ông Đưỡng về quê”, “Cánh cửa sổ”… Dựa trên làn điệu chèo truyền thống, ông cải biên theo lối tích xưa, chuyện nay, mang hơi thở và tâm sự cuộc sống của bà con trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Đồng thời nói lên tinh thần cách mạng, xây dựng quê hương mới, niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ. Những tác phẩm chèo giữa miền đất gió ấy như một luồng sinh khí mới để mọi người cùng hòa nhịp. Ngày đó, cứ vào tối thứ năm và chủ nhật, chiếu chèo Xuân Khiêng vẫn trải đều đặn phục vụ bà con. Ngày tập, đêm diễn không lúc nào làng Xuân Khiêng ngơi tiếng trống, tiếng phách…, tất cả cứ tưng bừng náo nhiệt. Làng lại vui như mở hội.
Tại nhà văn hóa cơ sở, ông Phạm Trường Sơn, Bí thư Chi bộ khu 8, giới thiệu cho chúng tôi về những hoạt động của khu qua những tấm ảnh đã bạc mầu thời gian. Phía cuối nhà văn hóa là nơi treo, cất giữ những nhạc cụ và trang phục diễn chèo. Ông Sơn chia sẻ: “Hằng năm, các hoạt động văn nghệ của làng do đoàn thanh niên tổ chức. Nhưng những tiết mục chèo của các cụ vẫn thu hút mọi người nhất. Đến nay, lớp diễn viên của đội chèo Xuân Khiêng năm xưa không còn nhiều, nhưng bà con sẽ cố gắng lưu giữ một phần vốn chèo cổ như một niềm tự hào của quê hương Nam Định”.
Suốt 50 năm qua, người còn người mất, nhưng không khi nào điệu chèo vắng bóng trong đời sống sinh hoạt của bà con Xuân Hồng. Họ lưu giữ câu hát, tiếng đàn theo mình như một “báu vật” được chân truyền và tự thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ.