NSND Tự Long ra mắt vở chèo chuyển thể từ kịch nói

NDO - Vở kịch nói “Đại đội trưởng của tôi” của cố soạn giả Đào Hồng Cẩm đã được các nghệ sĩ Nhà hát chèo Quân đội chuyển thể sang chèo, ra mắt khán giả trong hai ngày 29 và 30/8. Vở chèo do Đại tá, NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội làm đạo diễn, công diễn đúng dịp chào mừng Quốc khánh 2/9
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong vở diễn.
Một cảnh trong vở diễn.

“Đại đội trưởng của tôi” là vở kịch nổi tiếng nhất của cố tác giả Đào Hồng Cẩm, được viết vào năm 1974, khi đất nước vẫn còn chiến tranh. Vở kịch được cố tác giả Đào Hồng Cẩm xây dựng từ một nguyên mẫu có thật sau chuyến đi thực tế vào chiến trường Quảng Trị những năm 1970. Vở kịch đã đem lại cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996, cùng với “Chị Nhàn” và “Nổi gió”.

Vở kịch cũng từng được Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Quân đội và đoàn Kịch nói Quân khu 3 dàn dựng, được khán giả yêu thích.

Vở kịch xoay quanh hai nhân vật Đại đội trưởng: Hùng và Thục. Hùng là con trai của Sư trưởng, dũng cảm, gan dạ và giỏi cầm quân, nhưng đánh giá sai và không nắm được tình hình, dẫn đến việc chỉ huy đại đội rút quân khỏi trận địa và để mất chốt vào tay địch. Thục, chiến sĩ tổ trưởng thông tin báo cáo trung thực tình hình với Sư trưởng và Chính ủy, và được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng, lãnh nhiệm vụ chiếm lại chốt.

NSND Tự Long ra mắt vở chèo chuyển thể từ kịch nói ảnh 1

Đoạn thoại giữa hai cha con Sư trưởng và Đại đội trưởng gây xúc động.

Câu chuyện không có hình ảnh quân địch, không có vai phản diện, không có những cú “thắt nút, mở nút”, nhưng giữ chân khán giả từ đầu đến cuối bởi cách xử lý tình huống và mô tả tâm lý những nhân vật trong vở diễn. Một người cha đặt tình riêng sang một bên để xử lý nghiêm phép quân đối với con trai mình. Một người lính vượt qua những hiểu lầm, trở về với đồng đội để sát cánh chiến đấu, giành lại những tấc đất quê hương. Một người lính quả cảm, quyết chiến đấu dù đến hơi thở cuối cùng, bằng mọi cách chiếm lại trận địa. Một cô y tá vượt qua mọi rào cản và khó khăn của chiến tranh để đến với tình yêu của mình. Những người lính trẻ chia sẻ với nhau nỗi nhớ quê hương, tình yêu gia đình và lý tưởng chiến đấu, khát khao đất nước hòa bình, độc lập, tự do.

Vở diễn do tác giả Lê Thế Song chuyển thể chèo, NSND, Đại tá Vũ Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội làm đạo diễn; âm nhạc do nhạc sĩ, NSND Hạnh Nhân phụ trách, NSƯT Đạt Tăng làm họa sĩ.

Tác phẩm này đã được ăn sâu bén rễ, khi làm lại thì không được để mất đi giá trị mà phải tôn vinh bằng nghệ thuật chèo.

Đại tá, NSND Tự Long

Ngay trong buổi ra mắt, Đại tá, NSND Tự Long đã nghẹn ngào xúc động khi nói về vở diễn, mặc dù anh đã từng nhiều lần dàn dựng những vở diễn quan trọng về đề tài chiến tranh cách mạng, lịch sử. Với anh, việc chuyển thể một tác phẩm kịch nói đã quá nổi tiếng là một thử thách lớn.

NSND Tự Long ra mắt vở chèo chuyển thể từ kịch nói ảnh 2

NSND Tự Long xúc động trong buổi lễ ra mắt vở kịch.

“Đây là vở kịch ra đời trong chiến tranh, tả không khí của chiến tranh. Câu chuyện trong kịch rất đơn giản, với tình đồng đội, đồng chí, tình người và tình cha con. Câu chuyện lại diễn ra ở một không gian hẹp, trên chốt, thời điểm rất ngắn, hoàn cảnh rất đơn giản. Nội dung cũng không có gì là phức tạp, chỉ có mỗi vấn đề là rút khỏi chốt, mà trở thành một quan điểm sống. Đó là người chiến sĩ phải luôn luôn giữ vị trí, vai trò, bám chốt, bám địa điểm. Trong thời chiến, đó là điều cực kỳ quan trọng. Việc đại đội trưởng quyết định rời khỏi chốt là lo cho anh em, nhưng đối với quan điểm của quân đội, như vậy không được. Chính vì vậy, câu chuyện trở thành mực thước, đó là bố kỷ luật con chỉ vì con đã rời khỏi vị trí chiến đấu” - NSND Tự Long chia sẻ.

NSND Tự Long ra mắt vở chèo chuyển thể từ kịch nói ảnh 3

Một cảnh trong vở chèo.

NSND Tự Long cũng cho biết, vở kịch từng được dàn dựng với 3 nhà hát: Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Quân đội và đoàn Kịch nói Quân khu 3, dưới bàn tay của hai người thầy vĩ đại trong làng kịch là các cố đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi và Nguyễn Đình Quang. Khi chuyển thể sang chèo, ê kíp thực hiện gặp những khó khăn nhất định, khi kịch bản là dành cho kịch nói, cho nên tuyến kịch, xung đột kịch, tình huống kịch xảy ra rất nhanh và dích dắc nhưng sang chèo lại không thể giữ nguyên, bởi vì chèo có những trình thức biểu diễn khác.

“Làm thế nào để dồn kịch, để khu biệt để các diễn viên có vai diễn, có đất diễn mà không mất đi tính chiến đấu cũng như tính kịch của vở kịch gốc. Người lính của năm 2023 xem khác với những người lính của năm 1970, 1980… Vậy thì làm thế nào để người xưa xem vẫn thấy mình trong đó, còn người ngày nay thì hiểu, cảm nhận được hình ảnh của cha anh mình mà vẫn giữ được tinh thần của người lính Cụ Hồ. Thật may mắn khi đến ngày hôm nay, vở kịch chuyển sang chèo vẫn giữ nguyên được tính định hướng, tính tư tưởng. Nội dung không thay đổi nhưng phong phú hơn, bởi vì các diễn viên của ngày hôm nay diễn lại vở kịch vẫn có hơi thở thời đại” – NSND Tự Long bộc bạch.

NSND Tự Long ra mắt vở chèo chuyển thể từ kịch nói ảnh 4

Những đoạn thoại hài hước giữa các chiến sĩ trẻ mang đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả.

“Đại đội trưởng của tôi” là vở chèo có đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng đạo diễn, NSND Tự Long đã làm “mềm hóa” bằng những mảng miếng hài trong những phần đối đáp giữa các chiến sĩ trẻ trong những khoảng lặng vắng tiếng súng trên chốt, đem lại tiếng cười thoải mái cho khán giả.

Tôi không ngờ vở kịch lại được chuyển thể tuyệt vời đến vậy

Ông Cao Trọng Đoan, con trai cố tác giả Đào Hồng Cẩm

Ở vở diễn này, đạo diễn, NSND Tự Long sử dụng hình ảnh sân khấu hết sức đơn giản, với những thủ pháp ước lệ truyền thống để đem đến hiệu quả cao nhất cho vở diễn. Chỉ những khối núi giả, bục bệ, ánh trăng sáng mờ trên phông sân khấu, nhưng cũng đã khiến khán giả đong đầy cảm xúc với hình ảnh người mẹ hậu phương - người con ở chiến trường, tình yêu lãng mạn của anh lính và cô y tá đêm trăng, chiến sự nóng bỏng, bến sông, những chặng đường hành quân đồi núi trập trùng…

NSND Tự Long ra mắt vở chèo chuyển thể từ kịch nói ảnh 5

Vở diễn nêu bật tình đồng chí, đồng đội, tình cha con.

Trong vở kịch gốc của tác giả Đào Hồng Cẩm, chỉ có hai nhân vật Đại đội trưởng và Sư trưởng là có số phận. Nhưng ở vở chèo chuyển thể, đạo diễn đã tách ra và thêm số phận cho nhiều nhân vật khác, như cô y tá, những anh lính trẻ… Các nhân vật này có số phận tương đồng, thậm chí đậm nét. Tất cả để khắc họa chủ đề trung tâm của vở chèo, là tinh thần chiến đấu, tình cha con, hình ảnh và hơi thở của anh bộ đội Cụ Hồ. NSND Tự Long cho biết, sở trường của chèo là làm giảm đi những xung đột, sự khốc liệt, căng thẳng bằng những làn điệu mềm mượt, dịu dàng mà không mất đi giá trị của kịch bản gốc. Để làm được điều đó, không chỉ đòi hỏi nghệ sĩ có sự tìm tòi mà còn phải hiểu người lính cả xưa và nay, hiểu kịch bản gốc để chuyển thể.

NSND Tự Long ra mắt vở chèo chuyển thể từ kịch nói ảnh 6

Ngày ra mắt vở kịch, mẹ của NSND Tự Long cũng đến chia vui. Ảnh: NSND Tự Long chụp ảnh lưu niệm cùng mẹ (bên trái), ông Cao Trọng Đoan (bên phải) cùng các khách mời.

Có mặt tại buổi ra mắt vở chèo, ông Cao Trọng Đoan, con trai của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm cho biết, ông rất bất ngờ và xúc động khi tinh thần của vở kịch vẫn được giữ nguyên nhưng lại được thể hiện trong một bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. “Vở kịch được cha tôi viết từ thế kỷ trước, ông đi xa cũng đã hơn 30 năm rồi, khi thấy vở kịch được dàn dựng trên sân khấu đầy sống động hôm nay, tôi rất biết ơn nhà hát và ê-kíp thực hiện. Tôi không ngờ vở kịch lại được chuyển thể tuyệt vời đến vậy. Chuyển thể từ kịch nói sang chèo là vô cùng khó. Chính vì thế mà tôi bất ngờ khi thấy vở kịch được chuyển sang chèo mượt mà, chặt chẽ” - con trai của cố tác giả xúc động chia sẻ.

NSND Tự Long hy vọng vở kịch sẽ là một món ăn tinh thần đối với các chiến sĩ trong quân đội, với người dân, và đặc biệt là giới trẻ, để thấy được phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ nhưng vẫn mang dáng dấp và hơi thở hiện đại ngày hôm nay.