Để múa rối nước mãi là niềm tự hào

Cũng như các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, múa rối nước đang đứng trước những đòi hỏi cách tân, cải tiến cả về nội dung và hình thức nhằm thu hút công chúng. Tuy nhiên, mọi sự sáng tạo đều có những giới hạn và tuân theo các nguyên tắc nhất định nếu không muốn làm biến dạng và mai một bản sắc.

Múa rối nước luôn gắn với khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống làng quê Việt Nam.
Múa rối nước luôn gắn với khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống làng quê Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu, múa rối nước là bộ môn nghệ thuật ra đời vào loại sớm nhất trong số các nghệ thuật dân gian của dân tộc Việt Nam (từ khoảng thế kỷ thứ 10). Tuy nhiên, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, múa rối nước chỉ được xem là trò chơi dân gian của người nông dân và chưa được nhìn nhận đầy đủ về giá trị nghệ thuật.

Múa rối nước là một trong những di sản văn hóa của dân tộc, một loại hình nghệ thuật dân gian, sống trong lòng đại chúng cần lao, do nhân dân lưu giữ và trao truyền phổ biến. Nhưng từ nghệ thuật dân gian, múa rối nước liên tục có sự sáng tạo, cải tiến và nâng cao qua năm tháng, đáp ứng sự phát triển của xã hội và những đòi hỏi của công chúng, trở thành nghệ thuật truyền thống. Điều cần quan tâm của múa rối nước hiện nay là tính vận động của nó trong việc bảo tồn và phát triển. Nói cách khác, đó là hiện đại hóa truyền thống hoặc truyền thống thích nghi với nhu cầu thẩm mỹ dân tộc và hiện đại. Sự kết hợp này cần hết sức thận trọng, không thể chỉ lấy cảm hứng từ những cái có sẵn xa xưa mà phải tiếp thu một cách sáng tạo, cải tiến, nâng cao, nhưng không làm biến đổi một cách tùy tiện. Dù thay đổi thế nào cũng luôn bám sát vào đặc trưng và bản sắc của bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Thực tiễn hoạt động cho thấy, múa rối nước đã thành công trong một mức độ nhất định, có vị trí xứng đáng trong nền nghệ thuật dân tộc, tạo được ấn tượng và sự yêu mến của cả công chúng nước ngoài. Đặc trưng của múa rối nước là ở con rối - nhân vật bằng gỗ nhỏ bé, thậm chí thô mộc “đi” từ buồng trò ra mặt nước diễn xuất và dưới bàn tay điều khiển của nghệ nhân, kết hợp khung cảnh mỹ thuật sân khấu thủy đình (yếu tố nước), trở nên có tâm hồn, có tình cảm, mang lại hiệu quả nghệ thuật. Khán giả cảm thụ nghệ thuật trong quá trình thưởng thức và nhận thức một cách tự nhiên, dễ dàng, dung dị, thoải mái như được tiếp thu một hình thức giải trí nhẹ nhàng mà sâu lắng, khó quên. Nằm trong hệ thống sân khấu truyền thống cho nên múa rối nước cũng sử dụng thủ pháp “cách điệu, ước lệ và tượng trưng”. Vì vậy trong quá trình cải tiến, cách tân múa rối nước, cần phải giữ, tuân thủ các nguyên tắc nghệ thuật truyền thống. Đó mới là những yếu tố mang lại sự khác biệt, đặc sắc của sân khấu dân tộc mà người xem quan tâm, thích thú và ngợi ca. Qua đó, giúp họ có thể hiểu ý nghĩa các trò diễn, chấp nhận những con rối gỗ “biết” nói, cười, pha trò, đùa bỡn, cãi nhau, vật nhau, khiêng kiệu, trèo cây, đi cày, chăn vịt, xay lúa, giã gạo, dệt cửi, đánh đu hoặc là cả một đám rước nước tưng bừng, náo nhiệt, rồi cảnh những con rồng bơi lượn, phun nước, phun lửa, công phượng múa đẹp, khoe tài, rùa lân tranh cầu và các cô tiên xiêm y lộng lẫy, đồng diễn nhịp nhàng... Ở những tích, trò đó, các nhân vật có buồn, vui, yêu thương, giận ghét, biết trọng nghĩa, khinh tài, bị trừng phạt, thất bại nếu làm những điều xấu, điều ác. Nghĩa là trên mặt sân khấu nước, lúc phẳng lặng, lúc dâng trào, cả một xã hội quen thuộc đã được thu nhỏ và tái hiện.

Để giữ được nét đặc thù của múa rối nước, nên cố gắng giữ, không làm mai một các yếu tố dân gian mà tốt nhất là múa rối nước được diễn ra trên mặt sân khấu ao, hồ tự nhiên như nó từng hình thành và phát triển. Trong môi trường tự nhiên, với không gian rộng, tập hợp được hàng trăm người xem, múa rối nước sẽ phát huy hết khả năng thu hút của mình, tạo nên ấn tượng và những bất ngờ liên tục từ trò này sang trò khác. Người xem được hòa mình vào không gian thiên nhiên, tận hưởng những cảm giác thanh thản, thư giãn sau những ngày lao động, làm việc căng thẳng, mệt nhọc. Đối với người nước ngoài, xem rối nước như vậy còn là quá trình trải nghiệm về cuộc sống sinh hoạt thú vị của nông thôn Việt Nam.

Tất nhiên, không phải nhất thiết địa phương nào cũng rập khuôn một cách trình diễn múa rối nước bởi như vậy sẽ làm thui chột tính sáng tạo. Sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu giải trí đa dạng, do đó đòi hỏi mọi loại hình nghệ thuật phải có sự cách tân, đổi mới để thu hút công chúng và múa rối nước không nằm ngoài quy luật đó, điều cần thiết là không được làm biến dạng, mai một bản sắc. Cải tiến đến mức đưa cả người thật vào sân khấu rối nước hay trình diễn cả rối cạn cạnh rối nước thì sẽ không còn múa rối nước của dân tộc. Cũng giống như diễn chèo hay cải lương mà đưa cả múa hiện đại và nhạc giao hưởng lên sân khấu thì sao còn gọi được là cải lương và chèo. Nói thế không có nghĩa chỉ thụ động khai thác từ các tích trò cũ mà phải biết sáng tạo cả về hình thức và nội dung của múa rối nước dựa trên những nguyên tắc truyền thống đặc trưng cơ bản. Có thể kể các vở diễn rối nước thành công của Nhà hát múa rối Trung ương và Nhà hát múa rối Thăng Long hay sân khấu múa rối nước mi-ni Phan Thanh Liêm, sân khấu múa rối nước làng Đào Thục (Hà Nội) chẳng hạn, đã thể hiện được nỗ lực đổi mới của các nghệ sĩ, nghệ nhân. Gần đây nhất, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cùng các nghệ sĩ đã xây dựng những tiết mục rối nước về văn hóa giao thông, kết hợp hát xẩm, hát chầu văn mang lại hiệu quả trong giáo dục, tuyên truyền đến học sinh, sinh viên ở các trường.

Mỗi loại hình nghệ thuật truyền thống đều có những nguyên tắc, giới hạn nhất định trong sáng tạo. Tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc này, múa rối nước mới phát triển bền vững và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc.