Tiếp tục chương trình phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, chiều 16/11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
“Chung cư mini” phải đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy
Ông Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội và ý kiến thống nhất giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 6 nội dung lớn.
Theo đó, Điều 57 về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini) đã được chỉnh lý để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, tăng cường quản lý chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đối với loại hình nhà ở này.
Cụ thể, cá nhân có quyền sử dụng đất ở thuộc quyền sử dụng của mình, được Nhà nước giao (theo quy định tại khoản 3 Điều 54) xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để cho thuê thì phải đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân theo quy định của Bộ trưởng Xây dựng.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; cũng như điều kiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân.
Dự thảo Luật cũng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê (khoản 4 Điều 80).
Ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được quy định theo hướng kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành để bổ sung quyền được xây dựng cả nhà ở thương mại trong quỹ đất 20% của tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án, nhưng chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này theo quy định của pháp luật về đất đai để vừa thu hút đầu tư, vừa quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, dự thảo quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại Điều 94; không quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp theo đề nghị của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 5204/BXD-QLN ngày 13/11/2023 về việc bổ sung đánh giá tác động chính sách đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Cùng với đó, bổ sung khoản 3 Điều 95 về việc Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư.
Cần tầm nhìn dài hạn trong việc bố trí nhà ở công vụ
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở một số nội dung thảo luận như quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động; nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp quy định mở nhưng có kiểm soát từng bước; quy định về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini) với tinh thần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở nhưng không hợp thức hóa sai phạm….
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở một số vấn đề thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Về nhà ở thuộc tài sản công (Điều 13), quản lý, sử dụng tài sản ở nhà ở thuộc tài sản công (Điều 125), Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét, cho ý kiến về phương án xử lý của Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời, cho ý kiến về bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ tại Điều 45; hiệu lực thi hành sớm hơn của nội dung về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở, hiệu lực thi hành của Luật Nhà ở và Luật Đất đai.
Tham gia thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần có cái nhìn dài hạn trong việc bố trí nhà công vụ. Việc dành đủ nguồn lực thì cần theo lộ trình phát triển của đất nước, Chính phủ cần có tính toán cụ thể.
“Điều quan trọng là phải bảo đảm chính sách được thực hiện xuyên suốt, giúp cán bộ, công chức, đặc biệt trong ngành an ninh, quốc phòng, cơ yếu yên tâm công tác, qua đó thu hút nhân tài vào cơ quan nhà nước, đáp ứng nhu cầu thực tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Có chung mối quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, so với luật hiện hành, dự thảo luật hiện tại đã có hướng tiếp cận mở đối với vấn đề nhà ở công vụ. Việc tiếp cận nhà ở công vụ đối với cán bộ công tác còn hạn chế, khó đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH) |
Dự thảo luật hiện đang có hướng giải quyết cho vấn đề này, tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nếu mở rộng hết các đối tượng được sử dụng thì không có đủ nguồn nhà ở công vụ cho các lực lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung: Bố trí tùy theo quỹ nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang hoặc của địa phương; với số cán bộ điều động, luân chuyển, giao Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cân nhắc bố trí thêm cho các trường hợp khác.
Giải trình làm rõ thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Nhà ở hiện hành đã quy định đối tượng được hưởng chế độ thuê nhà ở công vụ. Dự thảo Luật lần này cũng mở rộng thêm đối tượng là hạ sĩ quan. Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng đã tiếp thu, đề xuất thêm để tương ứng với chính sách của cán bộ, công chức, viên chức khi đi công tác vùng sâu vùng xa, cố gắng nghiên cứu để đáp ứng được mức tốt nhất trong phạm vi ngân sách có thể đáp ứng.
Để tránh lãng phí nhà ở công vụ, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị cho phép cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để có phương án vừa có đối tượng cụ thể áp dụng vừa có điều khoản linh hoạt để phù hợp với thực tiễn.