Sớm giải quyết 8 dự án BOT bất cập
Chiều 6/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Giao thông vận tải về kế hoạch triển khai các tuyến đường sắt kết nối như Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai, Biên Hòa-Vũng Tàu, Long Thành-Thủ Thiêm theo Quy hoạch vận tải đường sắt 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển đường sắt đang là vấn đề được Bộ Chính trị, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Vừa rồi, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 49 và đặt ra nhiều nhiệm vụ cho ngành giao thông vận tải trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.
Đối với dự án đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, Bộ Giao thông vận tải đang lập báo cáo tiền khả thi, dự kiến chi phí đầu tư 5 tỷ USD từ ngân sách và vốn ODA. Tuyến Thủ Thiêm-Long Thành dự kiến 2,4 tỷ USD sẽ tìm nguồn vốn xã hội hóa.
Dự án đường sắt Lào Cai-Hải Phòng cũng đang xây dựng báo cáo tiền khả thi, dự kiến tổng mức đầu tư 6,5 tỷ USD đối với đường đơn và đường đôi hoàn chỉnh là 10-11 tỷ USD.
Nhấn mạnh đây đều là những con số ngân sách rất lớn, Bộ trưởng khẳng định, về phía Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để kêu gọi, huy động tất cả các nguồn lực ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội hóa và huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vì đầu tư đường sắt rất lớn.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. (Ảnh: DUY LINH) |
Liên quan việc giải quyết 8 dự án BOT bất cập, trong đó nhu cầu vốn Nhà nước dự kiến là 10.342 tỷ đồng, như chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, khi thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT có vấn đề.
Đây là phần việc được Bộ Giao thông vận tải triển khai từ rất lâu, nhưng có rất nhiều vấn đề phức tạp. Bộ và Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải phải giải trình một số vấn đề, như ngoài 8 dự án này thì ở địa phương còn bao nhiêu dự án, quan điểm liên quan đến nguồn vốn để giải quyết lấy từ đâu?
Theo Bộ trưởng, cả 8 dự án này đều triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực, các vấn đề pháp lý tương đối vướng mắc. Các dự án này không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà liên quan đến cả các ngân hàng.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang giải trình để báo cáo Quốc hội. Trong 8 dự án có 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị được hỗ trợ. Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, về tiến độ, đến nay cũng tương đối chậm. Bộ sẽ cố gắng giải trình để Chính phủ trình Quốc hội sớm giải quyết.
Khơi thông nhiều dự án giao thông khu vực phía Đông
Đầu tư PPP lợi nhuận thấp, rủi ro cao nên khó thu hút nguồn lực
Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về giải pháp tháo gỡ trong thu hút nguồn lực thực hiện các dự án PPP, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận từ khi có Luật PPP, việc thu hút các dự án PPP chưa được nhiều, chưa hiệu quả. Gần đây, Bộ Giao thông vận tải mới phối hợp các đơn vị kêu gọi được một số doanh nghiệp tham gia các dự án PPP.
Lý do không thu hút được doanh nghiệp thực hiện các dự án PPP, theo Bộ trưởng, trước hết do yếu tố khách quan khi tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp yếu.
Thêm vào đó, đầu tư PPP trong hạ tầng giao thông lợi nhuận không cao, nhưng lại có nhiều rủi ro có thể xảy ra liên quan khả năng thu hồi vốn. Ngoài ra, có nhiều lĩnh vực để doanh nghiệp lựa chọn, cân đối.
Tăng tỷ lệ vốn nhà nước lên 70% trong dự án giao thông PPP là rất đột phá
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhận định, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia các dự án giao thông tối đa 50%, trong khi vốn giải phóng mặt bằng rất lớn và đây là yếu tố bất lợi với nhà đầu tư.
Tư lệnh ngành giao thông cũng thẳng thắn cho rằng một số vấn đề liên quan cơ chế chính sách thu hút cần điều chỉnh.
“Tại sao chúng ta không có các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án PPP? Vì đối với họ, việc tham gia vào dự án PPP là một hình thức Nhà nước vay doanh nghiệp để làm. Chính vì thế họ đòi hỏi một là phải có bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ và thứ 2 là phải bảo đảm việc chuyển đổi ngoại tệ khi thu hồi vốn. Một vấn đề rất lớn mà các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đều rất quan ngại, đó là vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng. Thường thì các dự án PPP của các nước khác bao giờ cũng tách ra phần giải phóng mặt bằng làm trước, khi doanh nghiệp tham gia PPP tập trung vào việc triển khai dự án”, Bộ trưởng phân tích.
Cho biết Bộ Giao thông vận tải đã nhận diện được những bất cập này, Bộ trưởng khẳng định bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ tiếp tục có những cơ chế, chính sách điều chỉnh kể cả về chính sách cũng như các quy định của pháp luật và những vấn đề chính sách để thu hút các nhà đầu tư.
Với tinh thần trên, ngay trong kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ đã trình Quốc hội để có những tháo gỡ để nâng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ cho các nhà đầu tư lên ở mức cao hơn.
“Để đạt được mục tiêu còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ nhận trách nhiệm để làm sao sắp tới phải có những kết quả về vấn đề này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.