Dự án Biotrade khu vực Đông Nam Á: 8 năm vun đắp tương lai xanh

NDO - Triển khai từ 2016, dự án Biotrade khu vực Đông Nam Á (RBT) đã tập trung vào hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ các nhà sản xuất và xuất khẩu địa phương tại Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia tham gia chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, từ đó tăng thu nhập cho các cộng đồng nông thôn, người dân tộc thiểu số vốn không có điều kiện kinh tế cao. Đến nay, dự án đã có tác động tích cực tới hơn 56.000 người trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Ngài Thomas Gass - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Ngài Thomas Gass - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Ngày 13/8, Tổ chức Helvetas Swiss Intercooperation và Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED) tổ chức Họp tổng kết dự án Biotrade khu vực Đông Nam Á (RBT) với chủ đề “Vun đắp tương lai xanh: Câu chuyện Biotrade ở Mekong”. Đây là sự kiện đánh dấu kết thúc sáng kiến kéo dài 8 năm được tài trợ bởi Chính phủ Thụy Sĩ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), với tổng ngân sách 8,5 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 9,8 triệu USD).

Theo Ngài Thomas Gass - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, dự án Biotrade khu vực Đông Nam Á (BRT) đã tiếp nối những giá trị mà Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) từng hỗ trợ cải thiện sinh kế người nông dân từ cách đây 30 năm, thông qua ba yếu tố gồm đa dạng sinh học, giá trị thương mại và tính bền vững. Từ đó, thúc đẩy hoạt động sử dụng bền vững các sản phẩm dựa trên đa dạng sinh học để tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.

Đến nay, dự án gồm hai giai đoạn (2016-2020 và 2020-2024) đã hỗ trợ 78 công ty từ Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia gia nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, mang lại doanh thu xuất khẩu trên 195 triệu USD. Dự án đã cải thiện điều kiện làm việc, tạo ra cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho những người dễ bị tổn thương ở các khu vực hẻo lánh, đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc khác nhau.

Dự án đã cải thiện cuộc sống của 56.440 người có sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên đa dạng sinh học thông qua phát triển 32 chuỗi giá trị nông lâm nghiệp bền vững.

Ngoài ra, dự án đã củng cố khả năng chống chịu của cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu và đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia Dự án đã áp dụng các tiêu chuẩn bền vững quốc tế, điều này thể hiện qua việc gia tăng đầu tư vào các sản phẩm Biotrade và sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Jos van den Zanden, Quản lý Chương trình RBT, nhận định: “Dự án RBT đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động khai thác nguyên liệu tự nhiên có trách nhiệm tại khu vực Mekong và là một mô hình thành công trong hợp tác phát triển xuyên quốc gia. Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao vị thế cho các sản phẩm từ đa dạng sinh học của tiểu vùng Mekong trên các thị trường cao cấp, nhưng triển vọng cho các sản phẩm Biotrade là rất tươi sáng”.

Về các thành phần của Dự án Biotrade Khu vực Đông Nam Á, HELVETAS Swiss Intercooperation quản lý tổng thể dự án và trực tiếp quản lý các hợp phần tại Lào, Myanmar và chung cho cả khu vực. Tổ chức CRED quản lý triển khai tại Việt Nam.

Dự án sử dụng phương pháp Phát triển Hệ thống Thị trường (MSD), đầu tư vào việc xin cấp chứng nhận, xúc tiến thương mại (bao gồm đưa doanh nghiệp tham dự các hội chợ thương mại), thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu, và hỗ trợ thực thi các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị bền vững (ESG).