Bảo tồn và phục hồi sự đa dạng của hệ sinh thái sông Đầm

Khi nói đến bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học ở tỉnh Quảng Nam, các chuyên gia luôn đề cập đến khu vực sông Đầm. Bởi nơi đây, có hệ sinh thái độc đáo với thảm thực vật và hệ động vật đa dạng, tạo nên bức tranh thiên nhiên hoang sơ, cuốn hút du khách...
0:00 / 0:00
0:00
Sông Đầm được xem như “lá phổi” của thành phố Tam Kỳ.
Sông Đầm được xem như “lá phổi” của thành phố Tam Kỳ.

Khu vực sông Đầm (thuộc xã Tam Thăng và phường An Phú, thành phố Tam Kỳ) có hệ sinh thái độc đáo và đặc sắc, với tổng diện tích hơn 650 ha, trong đó, có khoảng 200 ha mặt nước. Đây là khu vực có điều kiện tự nhiên phong phú, với thảm thực vật và hệ động vật phong phú, đa dạng. Qua khảo sát, đánh giá của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, khu vực sông Đầm có 295 loại động vật; trong đó, có 33 loài cá, 16 loài bò sát, ếch, nhái và 31 loài chim. Nơi đây, có loài cò nhạn nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 211 loài côn trùng… Khu vực sông Đầm còn có hệ thực vật hết sức đa dạng và phong phú, với 170 loài thực vật, 74 họ khác nhau…

Hệ sinh thái sông Đầm mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường, cảnh quan thiên nhiên, sản xuất và văn hóa truyền thống của cư dân bản địa. Nhiều nhà khoa học cho rằng, sông Đầm là lá phổi xanh của thành phố Tam Kỳ; đồng thời là vùng chứa lũ, có vai trò thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam cho biết, những năm qua, thành phố luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên hồ sông Đầm; đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các loài chim hoang dã, nhất là kiểm soát nguồn nước đầu vào sông Đầm gắn với phát triển sinh kế của người dân khu vực thành phố đã trồng cây xanh phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học sông Đầm với nhiều chủng loại cây bản địa; bổ sung các loại tôm, cá để làm đa dạng thêm nguồn lợi thủy sản tại sông Đầm.

Cùng với đó, thành phố Tam Kỳ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt các loài chim hoang dã và di cư tại sông Đầm. Ủy ban nhân dân xã Tam Thăng vận động nhân dân tình nguyện bàn giao hơn 20 ha đất để trồng và phát triển cây xanh. Bước đầu, việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm đạt kết quả đáng ghi nhận; diện tích cây xanh tăng lên, dòng sông trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản dần phục hồi, các loài chim ngày càng nhiều hơn.

Tháng 3 vừa qua, thành phố Tam Kỳ tổ chức lễ phát động “Phục hồi và phát triển hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm”. Tại lễ phát động, chính quyền địa phương đã tặng ngư cụ cho người dân, khen thưởng các hộ dân đã đóng góp trong việc trồng và phục hồi cây xanh, thả cá, tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, trồng cây xanh bản địa phục hồi phát triển hệ sinh thái.

Trước đó, thành phố Tam Kỳ đã tổ chức thả 5.000 con cá rô giống và trồng 100 cây tràm gió, 40 cây mù u tại hệ sinh thái sông Đầm. Tham gia chương trình trồng cây và thả cá xuống sông Đầm, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh ghi nhận nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc phục hồi và phát triển hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm; đồng thời đề nghị, tỉnh cần sớm phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tìm giải pháp bảo tồn, phát triển sự đa dạng của hệ sinh thái nơi đây.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Nam, thành phố đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng và trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị Di tích quốc gia địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng) gắn với phát triển du lịch bãi Sậy-sông Đầm. Theo đó, thành phố dành nguồn lực để thực hiện các dự án tiếp tục phục hồi cây xanh bản địa, xây dựng bến thuyền, nhà đón tiếp khách, đầu tư khu ngắm cảnh và sinh hoạt trải nghiệm sông Đầm. Thành phố từng bước hoàn thiện hạ tầng, hình thành các dịch vụ du lịch sinh thái ven bờ; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng phụ cận sông Đầm. Thành phố Tam Kỳ cũng đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm, sớm chỉ đạo thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học sông Đầm, ưu tiên nguồn lực cho phục hồi đa dạng sinh học và bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước khu vực này.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam Lê Thủy Trinh cho rằng, các giá trị đa dạng sinh học của khu vực đất ngập nước sông Đầm không chỉ là tài sản quý của thành phố Tam Kỳ mà còn là tiềm năng lớn trong tỉnh Quảng Nam. Hiện, Quảng Nam đang triển khai đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đa dạng sinh học và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ sông Đầm”. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, hỗ trợ Tam Kỳ rà soát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức liên quan để xác định hình thức và xây dựng mô hình bảo tồn thích hợp cho sông Đầm.