Chương trình do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp tổ chức.
Khu vực duyên hải miền Trung có 14 tỉnh và thành phố giáp biển, với nhiều bãi biển, vùng biển và đảo đẹp, cùng nhiều tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải và có tiềm năng trong việc phát triển các cảng biển lớn, điện gió.
Đối với phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung còn có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế biển của cả nước, bởi bờ biển dài gần 2.000km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước.
Khu vực cũng tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất; có nhiều cảng biển nước sâu như: Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn.
Trong những năm qua, ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD. Biển là chỗ dựa sinh kế quan trọng cho khoảng 20 triệu người dân ven biển.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Khai thác quá mức; ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản; “thẻ vàng” của IUU; vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển...
Các hệ sinh thái biển cũng đứng trước nhiều nguy cơ từ các hoạt động phát triển của con người như: san lấp, lấn biển, để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn tại các khu vực ven biển, ven đảo; phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản, xây dựng cơ sở du lịch, khu công nghiệp; phát triển du lịch biển tự phát...
Mặc dù, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã quan tâm, nhưng các Khu bảo tồn biển ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Do đó, phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển bền vững kinh tế biển
Trước những cơ hội và thách thức như trên, hội thảo lần này đã thảo luận và nghiên cứu một số giải pháp cho các vấn đề: Quy hoạch không gian biển; kinh nghiệm và giải pháp công tác bảo tồn biển; hợp tác nghiên cứu đào tạo, triển khai các dự án hỗ trợ bảo tồn biển và cải thiện sinh kế cho cộng đồng; những giải pháp thành lập và vận hành các khu bảo tồn biển...
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho biết: Chúng tôi kỳ vọng đại biểu sẽ đóng góp các ý tưởng, đề xuất, kiến nghị để chúng ta có được các đề xuất phù hợp gửi các Bộ, ban, ngành và chính quyền các cấp liên quan tham khảo và áp dụng vào trong công tác quản lý, hoạch định trong công tác bảo tồn biển, phát triển kinh tế biển đầy tiềm năng của Việt Nam.