Quý đầu năm: 9,1 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực về việc làm do Covid-19
Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động - việc làm (LĐ-VL) cả nước, Tổng cục Thống kê (GSO) cho hay, trong quý I năm 2021, vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực về VL do dịch Covid-19. Trong đó, nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần 2/3.
Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực của đại dịch này, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh. 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.
Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn, với 15,6% LĐ khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng. Trong khi đó, con số này ở nông thôn là 10,4%.
Nhóm LĐ thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tiếp đó là LĐ có việc làm (15,5%). Chỉ 4,3% LĐ không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này.
Xét theo ba khu vực, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, với 7,5% lao động cho biết chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Tiếp đó là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. LĐ trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%.
Lực lượng lao động giảm 1,1 triệu người
Cũng theo GSO, lực lượng lao động (LLLĐ) từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2021 là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
So sánh với quý trước, sự sụt giảm của LLLĐ là xu thế thường thấy trong nhiều năm, kể cả thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước.
Thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng LĐ năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, LLLĐ quý I năm 2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200 nghìn người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600 nghìn người.
Sự bùng phát lần thứ ba của đại dịch Covid-19 làm suy giảm đà phục hồi của TTLĐ đã đạt được trong hai quý cuối năm 2020, đồng thời khiến nhiều NLĐ, đặc biệt phụ nữ trở thành lao động có VL phi chính thức.
Vào quý I năm 2021, số người từ 15 tuổi trở lên có VL là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý trước và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới.
Trong năm 2020, sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đã làm TTLĐ suy giảm mạnh trong quý II, số lao động có VL giảm từ 50,1 triệu người trong quý I xuống còn 48,1 triệu người, giảm gần 2 triệu người. Cũng trong năm này ở hai quý tiếp theo, do sự kiểm soát dịch tốt cùng việc thực hiện nới lỏng cách ly xã hội và những chính sách hỗ trợ ảnh hưởng của Chính phủ, TTLĐ có có sự phục hồi trở lại. LĐ có VL tăng lên đạt mức 50,9 triệu người, gần đạt được mức trước khi xảy ra dịch Covid-19 là 51 triệu người. Tuy nhiên, đến quý I năm 2021, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp ngay trong dịp Tết Nguyên đán, đã làm giảm đà phục hồi của TTLĐ đã đạt được trước đó. Lao động có VL giảm còn 49,9 triệu người, giảm 1,8% so với quý trước và giảm 0,36% so với cùng kỳ năm trước.
Sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong cộng đồng đã khiến 19,9% LĐ trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19% LĐ trong các doanh nghiệp/hợp tác xã còn bị ảnh hưởng, chủ yếu là giảm thu nhập hoặc giảm giờ làm.
Tuy nhiên, dịch Covid 19 cũng góp phần thay đổi thói quen làm việc, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin của NLĐ nhằm thích nghi với các diễn biến khó lường của đại dịch. Hơn 78 nghìn lao động cho biết, do đại dịch Covid-19, họ đã chuyển đổi từ việc không ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sang có ứng dụng CNTT trong công việc của mình.
Đợt dịch lần thứ ba làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm
Số người thiếu VL trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 là 971,4 nghìn người; tăng 143,2 nghìn người so với quý trước và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu VL của lao động trong độ tuổi quý I năm 2021 là 2,20%; tăng 0,38 % so với quý trước và tăng 0,22 % so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu VL của lao động trong độ tuổi quý I năm 2021 ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,88%, khu vực công nghiệp và xây dựng là 1,51%; khu vực dịch vụ là 1,76%. Mặc dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn có tỷ lệ thiếu VL trong độ tuổi lao động cao nhất nhưng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thiếu VL trong khu vực này đã giảm đi 0,8 %, trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,86 % và khu vực dịch vụ tăng 0,31 %.
Rõ ràng, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng thiếu VL lan rộng sang cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 là gần 1,1 triệu người, giảm 137 nghìn người so với quý trước và tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 là 2,42%, giảm 0,21 % so với quý trước và tăng 0,08 % so với cùng kỳ năm trước.
GSO đánh giá, nhìn chung, dữ liệu thống kê về tình hình lao động VL quý I năm 2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và TTLĐ Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. Những khó khăn này là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch.
GSO cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho TTLĐ trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường. Trong đó, tích cực nghiên cứu triển khai ngay việc cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế. Điều này nhằm giúp ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng không bỏ lỡ cơ hội để phục hồi và phát triển. Các ngành này phát triển sẽ thu hút lượng lớn LĐ tham gia, góp phần tận dụng tốt hơn tiềm năng sẵn có của nguồn nhân lực.