Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân 11 huyện, thành phố sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 9.832 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Mục đích đợt kiểm tra nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động chăn nuôi gây ra.
Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển bền vững. Qua kiểm tra, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn và gà của cả nước. Tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con, đàn gà khoảng 26 triệu con. Hiện, trên địa bàn có 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.200 cơ sở chăn nuôi nông hộ với hai loại chính là lợn và gà.
Bên cạnh một số cơ sở chấp hành tốt bảo vệ môi trường thì rất nhiều nơi hoạt động chăn nuôi đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước các sông, suối và gây mùi hôi trong các khu dân cư.
Trong 2 năm 2021 và 2022, qua kiểm tra đã phát hiện 129 cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường. Qua đó, ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động có thời hạn 7 cơ sở.
Tại một số hội nghị và chuyến thị sát ở các địa phương, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã nhiều lần lưu ý, phải chú trọng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi.
Bởi, nhiều trang trại đang gây ô nhiễm nguồn nước, đe dọa sức khỏe của người dân hiện tại cũng như về lâu dài. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhanh, bền vững của Đồng Nai.
Trong kết luận tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai vào cuối tháng 10/2022, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo tổ chức đợt tổng kiểm tra tất cả các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh về vấn đề môi trường, từ đó, chấn chỉnh các cơ sở không chấp hành, bảo đảm vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.