Phóng viên: Gần đây, tỉnh Ðồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Vậy, đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật của địa phương đã đạt được?
Ðồng chí Nguyễn Sơn Hùng: Trong thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Ðồng Nai đã đạt được nhiều kết quả trên ba trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trên địa bàn đang có khoảng 1.000 Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số hơn 6.400 thành viên. Ngoài ra, Ðồng Nai còn thí điểm triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh và hai trung tâm điều hành tại thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh. Ðồng thời, kết nối với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư theo Ðề án 06 của Chính phủ.
Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số được đẩy mạnh. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 để hỗ trợ thúc đẩy việc chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Phóng viên: Quá trình thực hiện chuyển đổi số tỉnh Ðồng Nai còn có những tồn tại nào, thưa đồng chí?
Ðồng chí Nguyễn Sơn Hùng: Năm 2022, chỉ số về chuyển đổi số (DTI) năm 2021 của tỉnh Ðồng Nai xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc thu thập, định lượng để đánh giá chính xác một số chỉ tiêu về kinh tế số, xã hội số chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, các nguồn dữ liệu còn phân tán, chưa liên thông, tích hợp để hình thành nguồn dữ liệu chung phục vụ cho sự chỉ đạo, điều hành, đáp ứng các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Một số cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, đất đai chưa liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư, do đó chưa thuận tiện cho người dân trong việc khai thác, sử dụng, đặc biệt về xác định định danh điện tử…
Phóng viên: Ðồng Nai đặt ra mục tiêu đến năm 2025 nằm trong tốp 10 của nước ta về chuyển đổi số. Từ nay đến mốc thời gian nêu trên không còn nhiều, vậy tỉnh sẽ tập trung vào những khâu nào để đạt mục tiêu đề ra?
Ðồng chí Nguyễn Sơn Hùng: Giai đoạn từ năm 2022-2025, tổng kinh phí dành cho chuyển đổi số của Ðồng Nai là hơn 1.600 tỷ đồng từ vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp. Tỉnh đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về chuyển đổi số; tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt hơn 40%, thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến hơn 30% trong năm 2023. Ðể đạt mục tiêu nằm trong tốp 10 cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025, Ðồng Nai cần phải nỗ lực vượt bậc, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm phải xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện, phù hợp với tình hình từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị; tập trung cải thiện những chỉ số theo DTI còn chưa đạt yêu cầu. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư vào kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật và an toàn thông tin, nâng cao khả năng kết nối, truy cập của người dân và doanh nghiệp trên tinh thần làm đủ bước, đúng các nội dung, quy trình, quy định; tăng cường năng lực nhân lực công nghệ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức.
Nghiên cứu đưa tiêu chuẩn về nhận thức, kỹ năng điều hành chuyển đổi số vào công tác đánh giá đào tạo và quy hoạch cán bộ; xem đây là một trong những tiêu chí cần thiết để bố trí công tác cán bộ. Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ đề xuất đánh giá công vụ, xếp loại thi đua về tiêu chí triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số đối với người đứng đầu; xác định trách nhiệm trong việc chỉ đạo chuyển đổi số ở lĩnh vực phụ trách, qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.
Phóng viên: Theo đồng chí, đâu là những vấn đề quan trọng hàng đầu để thúc đẩy chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất đối với Ðồng Nai?
Ðồng chí Nguyễn Sơn Hùng: Chúng tôi xác định trong thực hiện chuyển đổi số dù máy móc có hiện đại, tối tân đến đâu nhưng tư duy người đứng đầu là quan trọng nhất nên phải thay đổi đầu tiên tư duy của lãnh đạo trong chuyển đổi số. Cụ thể, người đứng đầu tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải hiểu và nhận thức rõ ý nghĩa của việc chuyển đổi số; đồng thời, phải hành động quyết liệt để có sản phẩm về chuyển đổi số cụ thể trước mắt và lâu dài. Những sản phẩm của chuyển đổi số phải góp phần mang lại hiệu quả trong phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số phải xác định, chính quyền giữ vai trò chủ đạo, còn người dân là chủ thể vừa sử dụng, vừa tương tác, góp ý để phát triển, hoàn thiện các sản phẩm chuyển đổi số phù hợp, hiệu quả. Sở Thông tin và Truyền thông giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương làm sao để không lúng túng và tìm con đường, hướng đi phù hợp với tiến trình chuyển đổi số.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!