Động lực mới để thành phố phát triển

Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 (ngày 24/11/2017) của Quốc hội vừa được UBND Thành phố Hồ Chí Minh trình Chính phủ với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là đòn bẩy đặc biệt quan trọng giúp thành phố huy động tối đa mọi nguồn lực để tăng tốc, phát triển mạnh mẽ, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thi công tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, vận hành vào cuối năm 2023. (Ảnh Quý Hiền)
Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thi công tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, vận hành vào cuối năm 2023. (Ảnh Quý Hiền)

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã đạt được một số kết quả quan trọng; tuy nhiên, về cơ bản chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, mà dư địa còn rất lớn cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Hạn chế trong phân cấp, phân quyền

Thực hiện Nghị quyết 54, nhiều lĩnh vực được phân cấp nhưng quy trình, thủ tục hành chính vẫn bị vướng mắc. Ðơn cử như, Nghị quyết 54 dù cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố. Nhưng thực tế Thành phố Hồ Chí Minh không dễ dàng chủ động việc này vì thẩm quyền sắp xếp hay bán tài sản là do cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng nhà, đất tổ chức triển khai. Do đó, 5 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công của các đơn vị Trung ương trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài như thuế suất, phí, lệ phí, các nguồn thu mà thành phố được chủ động thực hiện... cần thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động nên không thể phát huy. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc mà chủ yếu là liên quan đến trình tự, thủ tục lập và phê duyệt phương án sử dụng đất.

Ðồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, còn nghiều hạn chế trong phân cấp, phân quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh. Trong Nghị quyết 54, một số lĩnh vực chưa phân cấp, phân quyền rõ ràng nên khi thực hiện thành phố vẫn phải hỏi ý kiến các bộ, ngành trung ương, đơn cử như nghị quyết cho thành phố hưởng 100% tiền thu được từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên, muốn hưởng phải tiến hành cổ phần hóa và phải có phương án sử dụng đất nhưng chưa có cơ quan trung ương nào hướng dẫn về việc này cho nên không thể thực hiện. Hay như việc thành phố cũng được quyền tự quyết dự án nhóm A, Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định thay Thủ tướng nhưng quy trình phải thực hiện vẫn không thay đổi cho nên dẫn đến được tự chủ cũng giống như không tự chủ...

Nhiều kiến nghị mới

Trước những bất cập nêu trên, trong tờ trình về Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 gửi Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung kiến nghị rõ cơ chế phân cấp phân quyền, ủy quyền cho thành phố ở những lĩnh vực cụ thể. Về tài chính ngân sách, hiện thành phố được hưởng ngân sách theo tỷ lệ điều tiết là 21% nên kiến nghị giữ nguyên tỷ lệ này đến hết năm 2025. Cho phép thành phố được thí điểm thu thuế bổ sung đối với bất động sản thứ hai trở lên (trừ bất động sản duy nhất). Mục đích là nhằm thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn xây dựng chính sách chung về sau; tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay. Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị bổ sung nội dung xử lý những bất cập trong điều hành ngân sách cấp quận, nhất là những quận có số dân trên nửa triệu người; mở rộng giới hạn 90% các khoản vay của địa phương so với số thu ngân sách địa phương được hưởng theo Nghị quyết 54 lên mức 120%.

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị phân cấp cho thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị với điều kiện không làm thay đổi quan điểm và định hướng quy hoạch tổng thể. Phân cấp cho thành phố được quyết định các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại; nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên, ven kênh rạch... hiện đang gặp vướng về quy định. Phân cấp hoàn toàn cho thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất. Thành phố được thí điểm bồi thường "bằng đất theo tỷ lệ" khi giải phóng mặt bằng; cho phép thành phố được thí điểm cơ chế bồi thường bằng đất theo tỷ lệ khi giải phóng mặt bằng; được thí điểm tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B nhằm sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư công, tránh tình trạng "vốn chờ dự án", đội vốn do thiếu mặt bằng thi công.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Trung ương phân cấp cho Hội đồng nhân dân thành phố quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn; kiến nghị cho phép Hội đồng nhân dân, UBND thành phố phân cấp cho chính quyền thành phố Thủ Ðức những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền ở một số lĩnh vực quản lý nhà nước; chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở, ngành thành phố cho thành phố Thủ Ðức; cho phép Hội đồng nhân dân thành phố quyết định bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp của thành phố Thủ Ðức. Ưu tiên phân bổ ngân sách cho thành phố Thủ Ðức để chi đầu tư phát triển…

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 không chỉ là vấn đề xây dựng một cơ chế mang tính thí điểm, đặc thù, mà trên hết là tìm ra cơ chế phù hợp với yêu cầu phát triển của một siêu đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó tạo tiền đề để thành phố tiến về phía trước, đóng góp nhiều hơn cho vùng, cho cả nước.