Đồng Hỷ tập trung phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) thời gian qua được triển khai bài bản, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng nên phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các công trình đầu tư tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các công trình đầu tư tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ Vũ Quang Dũng cho biết: “Là huyện miền núi, dân số hơn 100 nghìn người, 32 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54,4% dân số, chúng tôi đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ khu vực này”.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Đồng Hỷ triển khai 10 dự án với tổng nguồn vốn hơn 120 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hỗ trợ người dân tạo sinh kế và những điều kiện cần thiết về nước sinh hoạt, nhà ở để giảm nghèo bền vững. Cụ thể, triển khai dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đồng Hỷ đầu tư hơn 52 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa 22 nhà văn hóa, 29 công trình đường giao thông, cống qua đường và 1 công trình lớp học.

Điển hình như ở xã Văn Lăng, Chương trình đầu tư tuyến đường từ xóm Khe Hai đi xóm Văn Khánh, dài 6,45km, số vốn gần 15 tỷ đồng; tuyến đường bê-tông xóm Bản Tèn dài 2,31km, số vốn gần 12 tỷ đồng đã thực sự giải quyết vấn đề cấp thiết lâu nay về giao thông ở địa phương.

Đồng Hỷ đang khẩn trương xây dựng 2 khu tái định cư tập trung cho 65 hộ đồng bào dân tộc Mông ở xóm Bản Tèn và xóm Liên Phương, xã Văn Lăng sinh sống ở khu vực ven suối, núi đá, vùng xa xôi hẻo lảnh, nơi có nguy cơ xảy ra thiên tai lũ quét, giúp đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống lâu dài.

Cải thiện điều kiện sống của người dân, đến nay huyện Đồng Hỷ đã hỗ trợ 35 hộ xây mới nhà ở, hỗ trợ 1.057 hộ sử dụng nước sinh hoạt phân tán; xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung. Hàng nghìn hộ được hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ Vũ Quang Dũng cho biết thêm: “Chúng tôi xác định việc tạo sinh kế là một trong những giải pháp căn cơ để giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Do đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế; nhân rộng mô hình giảm nghèo; tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở”.

Một trong những dự án nổi bật là năm 2023, Công ty cổ phần V-Ginseng đã triển khai mô hình liên kết trồng, tiêu thụ sâm Bố Chính tại xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng với diện tích 3ha. Sau khi thu hoạch vụ sâm đầu tiên với nhiều tín hiệu tích cực, năm 2024 công ty tiếp tục liên kết với 30 hộ dân xóm Bản Tèn triển khai trồng 7ha sâm Bố Chính. Các hộ được Công ty hỗ trợ 100% giống, phân bón hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm bón và bao tiêu sản phẩm để thúc đẩy quá trình giảm nghèo ở xóm khó khăn nhất huyện này.

Cùng với các chương trình, dự án khác, kết quả ban đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm trên địa bàn huyện Đồng Hỷ giảm từ 22,2% năm 2022 xuống còn 15,7% như hiện nay; diện mạo nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc.