Hiệu quả phương thức quản lý rừng bền vững ở Đồng Hỷ

Sau thời gian nỗ lực từ nhiều phía, nhất là người dân, hơn 1.300ha rừng trồng ở xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), với giá trị mang lại cao hơn từ 10- 15%. Từ thành công này, tỉnh Thái Nguyên sẽ nhân rộng mô hình trong thời gian tới để tăng thu nhập cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Khi rừng được cấp Chứng chỉ FSC, không còn tình trạng chế biến thô, giá trị gia tăng thấp.
Khi rừng được cấp Chứng chỉ FSC, không còn tình trạng chế biến thô, giá trị gia tăng thấp.

Thái Nguyên là tỉnh có diện tích rừng sản xuất lớn, nhưng năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế còn thấp và chưa có diện tích nào thực hiện phương thức quản lý rừng bền vững và được cấp chứng chỉ rừng FSC. Nguyên nhân chủ yếu do tập quán canh tác phần lớn còn lạc hậu, phương thức sản xuất quảng canh, chưa chú trọng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, chất lượng rừng; rừng được khai thác non, gỗ nhỏ là chủ yếu... Trong khi đó, công nghệ chế biến lâm sản chậm đổi mới, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, còn tình trạng bán nguyên liệu thô hoặc băm dăm; chưa hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, chưa tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo tiền đề cho tăng trưởng dài hạn, bền vững, cần thiết phải đầu tư thâm canh, kéo dài chu kỳ sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng bằng việc sử dụng cây giống chất lượng cao, trồng rừng gỗ lớn, gắn với thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng, giá trị sản phẩm, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường.

Chứng nhận này được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng FSC (Forest Stewardship Council), một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993, với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới. Khi rừng được cấp Chứng chỉ FSC, các sản phẩm chế biến sẽ xuất khẩu thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế cao.

Là đơn vị được giao nhiệm vụ, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ chủ trì, chọn xã Văn Hán để làm thí điểm thực hiện Dự án cấp Chứng chỉ rừng FSC. Thành phần tham gia dự án gồm các hộ dân, đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu gỗ là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Thịnh Phát, Công ty CP Chế biến lâm sản Nam Định (Nafoco), đơn vị tư vấn là Công ty Clever Forestry... Dự án được triển khai các bước: Thành lập nhóm hộ, tổ chức hoạt động và quản lý nhóm; lập bản đồ và xây dựng kế hoạch quản lý rừng; đào tạo, tập huấn về FSC và thực hiện FSC theo bộ tiêu chuẩn một cách kỹ lưỡng, bài bản.

Chủ tịch UBND xã Văn Hán, Nguyễn Xuân Hiền cho biết: Các nội dung công việc đều mới tiếp cận cho nên khi thu thập các tài liệu của hộ gia đình như quyền sử dụng đất, đối tượng rừng, nhận thức của người dân, địa hình gặp khó khăn. Nhưng nhờ sự kiên trì của các bên liên quan, các khó khăn được tháo gỡ, người dân rất phấn khởi.

Trên địa bàn xã Văn Hán, hơn 1.300ha rừng của 500 hộ dân được cấp Chứng chỉ rừng FSC. Sau gần hai năm triển khai các công việc liên quan, tuân thủ các tiêu chí khắt khe, hơn 3ha rừng keo của gia đình ông Nguyễn Trọng Vân ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán bảo đảm các tiêu chí và được cấp Chứng chỉ rừng FSC. Ông Vân vui mừng cho biết: Khi được cấp Chứng chỉ rừng FSC, gia đình được cam kết bao tiêu gỗ với giá cao hơn từ 10-15% so với những diện tích bình thường.

Chi cục Trưởng Kiểm lâm Thái Nguyên, Lê Cẩm Long cho biết: Rừng được cấp chứng chỉ không chỉ mang lại nhiều lợi ích về môi trường, bảo vệ tài nguyên đất, nguồn nước, mà gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ sẽ xuất khẩu thuận lợi, trong đó nhiều thị trường chỉ nhập khẩu gỗ từ rừng có Chứng chỉ FSC. Khi rừng được cấp Chứng chỉ FSC, nhận thức của người dân đối với sản xuất lâm nghiệp nâng lên rõ rệt ngay từ khi sản xuất cây giống, trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn, quy trình bền vững, nâng cao chất lượng rừng. Nhóm hộ được cấp chứng chỉ rừng sẽ cơ bản không bán gỗ tròn mà tập trung chế biến ván xẻ, nguyên liệu cho nhà máy gỗ MDF, viên nén gỗ xuất khẩu để tăng giá trị.

Từ hiệu quả mang lại, huyện Đồng Hỷ sẽ nhân rộng diện tích rừng được cấp Chứng chỉ FSC đối với các xã khác. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đang triển khai việc cấp Chứng chỉ rừng FSC tại huyện Đại Từ, dự kiến thời gian tới sẽ thực hiện tại các huyện khác nhằm nâng giá trị rừng trồng. Tuy nhiên, cùng với đó, các cấp, các ngành cũng cần vào cuộc tích cực, kiên trì tuyên truyền người dân kỹ thuật thâm canh rừng, trồng cây gỗ lớn; có chính sách hỗ trợ người dân, thu hút doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ, cùng với người dân thực hiện cấp Chứng chỉ rừng FSC để gỗ có đầu ra ổn định, giá bán cao hơn so với rừng trồng thông thường.