Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đổi thay từ một Cuộc vận động

Qua 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, tỉnh Kon Tum đã có hơn 15 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ hơn 74,61%) đã thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sa Thầy chuyển đổi mô hình từ trồng sắn sang trồng chanh dây cho hiệu quả kinh tế cao.
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sa Thầy chuyển đổi mô hình từ trồng sắn sang trồng chanh dây cho hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) trên địa bàn, đến nay, nhiều thôn, làng đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường.

Nhiều hộ gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi, dạy con cháu, tự nguyện đưa con, em trong độ tuổi đến trường, tham gia các lớp học bổ túc văn hóa, xóa mù chữ, thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, thay đổi dần cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất...

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đổi thay từ một Cuộc vận động ảnh 1

Người dân xã Đăk Trâm, huyện Đăk Tô mạnh dạn đầu tư trồng thơm.

Cuộc vận động đã được cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đồng tình, hưởng ứng, đạt được kết quả, như: Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến Cuộc vận động được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, với những nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Công tác xây dựng mô hình điển hình tiên tiến, đặc biệt là các mô hình giúp nhau làm kinh tế được chú trọng, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 866 mô hình hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế, chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật…; thu hút 23.636 lượt đồng bào dân tộc thiểu số tham gia (trong đó có 6.737 lượt hộ nghèo, 3.858 lượt hộ cận nghèo). Các mô hình trên đã huy động được trên 96 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu về số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu; biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; có đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện; tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2023, đã có 5.549 hộ nghèo và 2.654 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đổi thay từ một Cuộc vận động ảnh 3

Ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Sa Thầy Y Sâm cho biết, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, tổ chức phát động và triển khai rộng khắp Cuộc vận động đến từng thôn, làng với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, “Cầm tay chỉ việc”; trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế, chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, vật nuôi hiệu quả, chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Sa Thầy đã triển khai xây dựng 61 mô hình với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng; có 1.416 hộ dân tộc thiểu số được tham gia mô hình (trong đó có 385 hộ nghèo và 299 hộ cận nghèo); có 409 hộ tham gia dự án trồng rừng sản xuất quy mô 542ha. Việc xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi để hộ dân tộc thiểu số tham gia mô hình phát triển kinh tế, điển hình như: mô hình nuôi lợn sọc dưa sinh sản; mô hình trồng sầu riêng DoNa theo hướng VietGap; mô hình trồng mắc-ca chuyên canh và trồng xen cà phê…

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đổi thay từ một Cuộc vận động ảnh 4

Chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô hướng dẫn đồng bào trồng hồng đẳng sâm.

Trong đó, mô hình cải tạo vườn tạp đã giúp cho diện tích cây ăn quả của huyện tăng từ 285,4ha năm 2020 lên 1.570ha năm 2023, riêng sầu riêng tăng từ 35ha lên hơn 666ha. Việc cấp 2 mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng (diện tích là gần 31ha/2 hộ dân trên địa bàn xã 2 xã Ya Ly và Sa Nghĩa), sản lượng khoảng 350 tấn là kết quả vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của nhân dân huyện Sa Thầy; tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm… góp phần thực hiện hiệu quả tốt công tác giảm nghèo của huyện.

Kết quả sau 3 năm đã có 2.741 hộ thoát nghèo và 1.285 hộ thoát cận nghèo; 2.767 hộ biết áp dụng khoa học-kỹ thuật; 2.741 hộ có đời sống vật chất tinh thần được cải thiện; 269 hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã. Toàn huyện có 38/38 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã hoàn thành việc xây dựng hương ước, quy ước; 100% thôn (làng) đã bổ sung nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp vào hương ước, quy ước để thực hiện; có 16/38 nhà rông truyền thống được khôi phục, tu sửa, nâng cấp (lợp cỏ tranh truyền thống), với tổng kinh phí gần 1,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện, xã hội hóa và trên 3.000 ngày công của nhân dân tham gia.

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đổi thay từ một Cuộc vận động ảnh 5

Mô hình trồng chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sa Thầy.

Ghé thăm vườn chị Y Dum (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) khi chị đang cải tạo lại vườn, giăng dây để trồng chanh dây. Chị Y Dum cho biết, trước đây gia đình chị trồng sắn cho thu hoạch tầm 20 triệu đồng/năm nhưng rất bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường, đến khi chị chuyển qua trồng cà-phê thì thu nhập cao hơn gấp đôi mà lại ổn định hơn. Đến nay chị quyết định trồng xen cây sầu riêng vào vườn cà-phê và trồng thêm chanh dây để đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình.

“Được cán bộ vận động trồng cây ăn trái nên mình quyết định trồng sầu riêng. Mình được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng rất cụ thể từ khâu tư vấn, hướng dẫn cách trồng, cách chăm bón tới khi thu hoạch nên gia đình mình rất tự tin khi đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, chị Y Dum cho biết thêm.

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đổi thay từ một Cuộc vận động ảnh 6

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum khen thưởng các tập thể tại Hội nghị sơ kết 3 năm Cuộc vận động.

Để Cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả, Tỉnh ủy Kon Tum xác định, thời gian đến cần thường xuyên tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Cuộc vận động; trong đó, đội ngũ làm công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn hướng dẫn phải có kiến thức, sự am hiểu phong tục tập quán và lòng kiên trì, nhiệt huyết đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ ban đầu cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các mô hình sản xuất phát triển kinh tế.