Kon Tum đẩy mạnh công tác giảm nghèo

Thời gian qua, công tác giảm nghèo tại tỉnh Kon Tum đạt được những kết quả tích cực là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời; cùng các cơ chế, chính sách và chủ động trong công tác triển khai thực hiện. Địa phương cũng đã kết hợp tốt các phong trào thi đua với các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy chuyển đổi từ trồng sắn sang chanh dây mang lại hiệu quả cao hơn.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy chuyển đổi từ trồng sắn sang chanh dây mang lại hiệu quả cao hơn.

Hiện nay tỉnh Kon Tum đang triển khai các phong trào thi đua đồng bộ, với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân. Qua đó, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Hiệu quả các chương trình giảm nghèo

Để tạo sinh kế cho hộ nghèo nói chung và hộ nghèo dân tộc thiểu số nói riêng, căn cứ các quyết định của Trung ương, tỉnh Kon Tum đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025). Trong đó, có các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Các chương trình nêu trên có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của đời sống nhân dân, được cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm. Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Kon Tum phân bổ, giao gần 2.900 tỷ đồng kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các sở, ngành và địa phương thực hiện, bằng 100% kế hoạch vốn Trung ương giao; ngân sách địa phương đối ứng hơn 688 tỷ đồng.

Tám tháng năm 2023, địa phương giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2022 kéo dài khoảng 180 tỷ đồng, đạt 49,7% kế hoạch; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2023 khoảng 250 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch. Tỉnh phấn đấu hết năm nay, giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và tối thiểu 90% vốn kế hoạch năm 2023 được giao.

Chị Y Dum, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy chia sẻ: “Ngày trước, gia đình mình chủ yếu trồng sắn, hiệu quả không cao, kinh tế gia đình rất bấp bênh. Nhận thấy cây chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho nên quyết định chuyển gần 1 ha trồng sắn sang cây chanh dây. Bà con thấy gia đình mình làm tốt cũng đã làm theo để phát triển kinh tế”. Theo chị Y Dum, cũng là cây ngắn ngày, nhưng chanh dây mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng sắn. Gia đình chị trồng 600 gốc chanh dây, mỗi vụ thu được hơn 30 tấn, mang lại doanh thu hơn 450 triệu đồng.

Theo đánh giá, sau hai năm triển khai thực hiện các chương trình đã góp phần từng bước giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội. Công tác triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã thật sự tạo được những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo của người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển; cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người dân được nâng cao, môi trường ngày càng được cải thiện. Theo thống kê, năm 2022, toàn tỉnh có hơn 15.900 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,86% tổng số hộ dân; tổng số hộ thoát nghèo là 6.781 hộ, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo 4,46%, đạt 111,5% so với kế hoạch.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) Phạm Hồng Việt, các Chương trình mục tiêu quốc gia đều mang lại hiệu quả kinh tế, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Tuy nhiên, để thoát nghèo bền vững, trước hết người dân phải tự lực vươn lên, không quá trông chờ, ỷ lại với các cơ chế, chính sách của Nhà nước, nếu không sẽ bị thụ động, không có sức sống.

Tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững

Là huyện miền núi biên giới, với hơn 57% là người dân tộc thiểu số, Sa Thầy được xem là huyện khó khăn của tỉnh Kon Tum. Những năm qua, Huyện ủy Sa Thầy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững; trong đó, tập trung công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sinh kế cho người dân để phát triển kinh tế.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn huyện Sa Thầy là 6%/năm. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 13,1%. Bí thư Huyện ủy Sa Thầy Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được huyện xây dựng thành đề án; đó là cơ sở để chúng tôi bám sát và triển khai thực hiện. Thời gian qua, trên địa bàn đã có một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả; nhất là việc chuyển đổi sang trồng một số loại cây giống, nuôi con giống phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương, như các loại cây ăn trái, heo sọc dưa”.

Qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Sa Thầy đã có 1.333 ha cây ăn trái, việc triển khai thực hiện mô hình nuôi heo sọc dưa đã bước đầu đạt hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó, góp phần giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo. “Trong công tác giảm nghèo, ngoài các nguồn lực của Nhà nước về xây dựng các mô hình, chúng tôi đã vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ cho huyện để triển khai các mô hình phát triển kinh tế cho người dân”, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy cho biết.

Là người tiên phong bỏ trồng sắn chuyển sang trồng cà-phê trên địa bàn xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, anh A Yir cho biết, trước đây, trồng sắn một năm thu hoạch được khoảng 20 triệu đồng, giá và đầu ra bấp bênh. Từ khi chuyển sang trồng cà-phê thì thu nhập cao và ổn định hơn. Năm nay, nguồn thu từ 1 ha cà-phê của gia đình anh đạt hơn 150 triệu đồng. “Sau khi chuyển sang trồng cây cà-phê, gia đình mình còn được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng xen canh cây ăn trái, như sầu riêng, mắc-ca cho nên đạt doanh thu cao hơn”, anh A Yir chia sẻ.

Nhờ làm tốt công tác giảm nghèo, kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, nhờ triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn trên địa bàn được nâng cấp; các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Công tác đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao đời sống nhân dân đã góp phần tạo sinh khí mới trên những vùng nông thôn, nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.