Hạnh phúc chiều cuối năm

NDO - Chiều cuối năm, các y, bác sĩ Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn chiến đấu từng ngày, từng giờ để chăm sóc những em bé sinh non, có những em chỉ nặng 700-800gr. Tiếng máy monitor kêu tít tít lan khắp hành lang bé nhỏ. Phía ngoài sảnh, “Cây Điều ước” chứa ngàn vạn lời cầu nguyện từ các ông bố, bà mẹ có con non tháng đang dần trở thành hiện thực. 
0:00 / 0:00
0:00
Bé Trang chỉ nặng 800gr lúc chào đời ở tuần 28, giờ đã nặng 2,5kg.
Bé Trang chỉ nặng 800gr lúc chào đời ở tuần 28, giờ đã nặng 2,5kg.

Những chiến binh nhí

Sau 6 năm bị hỏng thai do sinh non, Giáp Thị Trân (Đông Anh, Hà Nội, sinh năm 1995) mới có bầu lần 2. “Khi ấy còn quá trẻ, hai vợ chồng không biết biểu hiện con ngừng tim nên đã mất con rất đau đớn. Vốn có tiểu sử buồng trứng đa nang, sinh non, nên lần thứ 2 đậu thai, tôi rất cẩn thận theo dõi thai sản”, Trân kể.

Tuần 27 ở thai kỳ lần thứ 2, nhận thấy cử động khác thường của thai nhi, Trân được chỉ định nhập viện theo dõi để cố gắng giữ thai trong buồng tử cung. Nhưng chỉ một tuần sau đó, Trân sinh non. Bé gái Nguyễn Văn Trang chào đời chỉ nặng 800g. Hai vợ chồng cùng sốc khi nhìn thấy con bé bỏng, đỏ hỏn. Nhưng với vợ chồng Trân, có được con đã là hạnh phúc quá lớn.

Hơn 5 tuần bé Trang nằm hồi sức là từng ấy thời gian Trân khóc vì thương con. "Nhìn con bé xíu, dây chằng chịt ở cơ thể, tôi đau đớn vô cùng không biết con có ổn định không, có bình an không hay một lần nữa mình lại bị tuột khỏi tay đứa con bé bỏng này", Trân nghẹn ngào nhớ lại.

Ngày con nặng lên 1,3kg, Trân vỡ òa hạnh phúc khi nhận được cuộc gọi đón con về ghép với mẹ. Hai vợ chồng ôm nhau khóc. Vậy là hạnh phúc đã đến thật sự khi đón được con bình an trở về sau 7 năm mong ngóng.

Hạnh phúc chiều cuối năm ảnh 1

Sản phụ Trân được điều dưỡng Hà Thị Lan Anh hướng dẫn chăm sóc con.

Em bé nhỏ xíu gánh trên mình ống xông, máy theo dõi chỉ số monitor khiến cho người mẹ trẻ như Trân vô cùng lóng ngóng. Một hành trình vô cùng khó khăn đang chờ đón mẹ con Trân trước mắt để bé có thể có được cuộc sống bình thường như những em bé sơ sinh khác.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bình, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bé Trang là một chiến binh nhí thực sự kiên cường. Lúc sinh, bé gặp nhiều vấn đề về hô hấp, sức khỏe, nhưng hiện nay bé đã ổn định hơn. Với sự kiên trì ấp bé theo phương pháp kangaroo (Kangaroo Mother Care), bé tăng trưởng tốt, lên cân đều.

“Hiện tại bé đã nặng 2,4kg, có thể tự bú được 35ml/lần và bú 2-3 lần/ngày. Nếu bé tập bú tốt, có thể gia đình sẽ sớm được về nhà trước Tết”, bác sĩ Bình cho hay.

Hạnh phúc chiều cuối năm ảnh 2

Trân hạnh phúc đón con đầu lòng sau 6 năm hôn nhân.

Nằm tại Khoa Sơ sinh gần 3 tháng qua, bé T.T.T chào đời nặng 800g vẫn đang chiến đấu với bệnh tật để chờ ngày được về đoàn tụ. T. chào đời vào một ngày tháng 9 năm 2022, nhưng khi chào đời, sự sống vô cùng mong manh.

Trong suốt một tháng nằm phòng hồi sức tích cực, chiến binh T. trải qua nhiều vòng tuần hoàn nguy kịch liên tục cai máy rồi lại đặt thở máy.

T. bị nhiễm khuẩn rất nặng, các cơ quan chưa trưởng thành, khả năng thích nghi môi trường kém. Suốt hành trình 3 tháng nằm viện, T. phải hỗ trợ thở máy nhiều lần, được kiểm soát nhiệt độ và dinh dưỡng rất tỉ mỉ. Giai đoạn hồi sức ban đầu phải nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch. Giai đoạn sau, các điều dưỡng mới bắt đầu cho ăn ít một và tăng dần theo y lệnh của bác sĩ, theo khả năng dung nạp sữa của bé.

Bên cạnh đó, do hệ miễn dịch kém nên T. bị nhiễm khuẩn máu nặng. Đang ở giai đoạn thở CPAP, nhưng T. có tình trạng sốc nhiễm khuẩn khiến các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch hỗ trợ và dùng kháng sinh mạnh để xử lý sốc nhiễm trùng, cân bằng nội mô trong cơ thể.

Hạnh phúc chiều cuối năm ảnh 3

Những em bé sinh non được chăm sóc tỉ mỉ, theo dõi các chỉ số từng giờ.

“Sốc ở sơ sinh điều trị rất khó vì những lượng thuốc đưa vào cháu bé cần chi tiết tỉ mỉ đến từng mg, bảo đảm an toàn cho cháu bé vì lúc này chức năng các cơ quan của trẻ kém. T. có giai đoạn hoàn toàn phụ thuộc máy thở, dùng thuốc vận mạch liều cao, khả năng đáp ứng rất chậm, toan chuyển hóa nặng, sốc mất bù… Chúng tôi đã từng nghĩ bé không thể qua khỏi được”, bác sĩ Bình chia sẻ.

Sau quá trình điều trị tích cực của bác sĩ và may mắn của cháu bé, tình trạng cải thiện dần dần. Bé thoát tình trạng sốc, đáp ứng kháng sinh tốt hơn, cai được máy thở và chuyển thở CPAP, dần chuyển sang thở oxy.

Sau 3 tháng nằm viện, hiện trẻ vẫn đang thở oxy và đã ăn được. “Trẻ nặng hơn 3kg, còn đang điều trị bệnh phổi mạn do đẻ non, các cơ quan khác đã tương đối ổn định”, bác sĩ Bình nói.

Hạnh phúc chiều cuối năm ảnh 4

Điều dưỡng Lan Anh chăm sóc bé sinh non lúc chào đời chỉ nặng 800gr.

Cùng viết nên những điều ước

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vấn đề tồn tại nhiều nhất ở trẻ sơ sinh non tháng là nhiễm khuẩn vì hệ miễn dịch kém nên nhiều bé có khi vượt qua được giai đoạn suy hô hấp nặng nhưng lại bị nhiễm khuẩn rất nguy hiểm, đặc biệt các bé cực non. Có nhiều bé đã không qua được giai đoạn này do nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn bệnh viện. Các y, bác sĩ phải sát khuẩn, vệ sinh tay cẩn thận, quần áo, trang phục, tai nghe trước khi thăm khám cho cháu bé.

Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có 3 khu, một khu hồi sức, một khu sơ sinh ổn định (sau hồi sức) và một khu Kangaroo và chuẩn bị ra viện.

6 năm công tác tại khoa Sơ sinh, điều dưỡng Hà Thị Lan Anh cho biết, cô đã từng chăm sóc những trẻ sinh non chỉ nặng 500gr. Một tua trực có 5 cô chăm sóc hơn 40 bạn nhỏ. Các bạn này đều phải được quan sát tỉ mỉ từ việc theo dõi sức khỏe, cho ăn bữa chính và phụ tới 16 bữa/ngày, thay bỉm.

Hạnh phúc chiều cuối năm ảnh 5

Bác sĩ Quỳnh Hương hướng dẫn các sản phụ ấp kangaroo.

“Chúng tôi phải nắm bắt từng bạn diễn biến trong ngày thế nào về ăn uống, hô hấp, diễn biến sức khỏe. Vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn phải ưu tiên hàng đầu để tránh nhiễm trùng, nếu không sẽ kéo theo nhiều thứ, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của các con. Trong khu ấp Kangaroo, các cô sẽ hỗ trợ tất cả các mặt giúp các mẹ tự tin để chăm được con sớm ra viện được về nhà với gia đình”, Lan Anh nói.

Tỷ lệ trẻ sinh non tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội những năm gần đây tăng lên đáng kể. Khoa Sơ sinh hiện có 22 bác sĩ, 8 hộ lý, 73 điều dưỡng chăm sóc khoảng 150 cháu 24/24 giờ. Với những kỹ thuật tiên tiến, bệnh viện đã cứu được ngày càng nhiều trẻ sinh non trong đó có những trẻ cực non nặng 600g-700g.

Những trường hợp sản phụ có nguy cơ sinh non sẽ được các bác sĩ Sản khoa và Sơ sinh hội chẩn trước để bảo đảm yếu tố kiểm soát nhiệt độ ngay khi trẻ chào đời.

Nếu chào đời để trẻ hạ nhiệt độ sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp và tăng tử vong nên những trẻ sinh non sau khi chào đời sẽ được đưa ngay vào túi giữ nhiệt, hỗ trợ thở máy từ phòng sinh. Khi đưa lên Khoa Sơ sinh, trẻ sẽ được nằm lồng ấp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm. Lồng ấp cài đặt theo đúng tiêu chuẩn tuần tuổi thai của trẻ.

“Với các trường hợp sơ sinh cực non tháng, 1 giờ đầu tiên là vô cùng quan trọng. Đó là giờ vàng để ổn định tình trạng trẻ. Trẻ sẽ được tối ưu hoá điều kiện chăm sóc để giống với môi trường trong tử cung của mẹ nhất. Trẻ được ổn định nhiệt độ trong lồng ấp tránh hạ nhiệt độ, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, bơm surfactant hỗ trợ phổi”, bác sĩ Bình cho hay.

Hạnh phúc chiều cuối năm ảnh 6

"Cây Điều ước" chứa ngàn lời ước của các ông bố bà mẹ có con sinh non tháng.

Các em bé khi được ra khỏi khu hồi sức về ghép mẹ sẽ được hướng dẫn phương pháp “Mẹ Kangaroo chăm con”. Việc ấp này giúp tăng tình cảm mẹ con, giúp hệ hô hấp, thần kinh, tim mạch phát triển toàn diện. “Các bạn sinh non có phổi chưa hoàn thiện, phải hỗ trợ oxy lâu dài. Khi trẻ được ấp, thân nhiệt mẹ truyền ấm, bé phát triển tốt sẽ dần bỏ được can thiệp thở oxy”, điều dưỡng Lan Anh tâm sự.

Một em bé sinh ra đời đủ tháng khỏe mạnh đã là một điều kỳ diệu nhưng một em bé sinh non với vẻn vẹn 600-700g, tuổi thai 25-26 tuần qua bao gian nan, vất vả của các y, bác sĩ mới đến tay cha mẹ thì còn hơn cả một điều kỳ diệu.

Những ngày gần Tết, nhiều sản phụ có con non tháng đang hồi hộp chờ ngày được sớm trở về nhà đoàn viên. Cũng như Trân, 8 tuần qua với nỗ lực phi thường của các y, bác sĩ và sự kiên trì của mẹ, cô con gái bé bỏng chào đời ở tuần 28 đã tăng từ 800gr lên 2,4kg. “Bác sĩ cũng động viên rằng nếu bé tập bú tốt, với cân nặng 2,4kg này, hai mẹ con có thể được ra viện trước Tết!!!”, ánh mắt Trân ngập tràn hy vọng.