Đòn bẩy vốn giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

NDO -

Cùng với thế giới, kinh tế trong nước đã và đang chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ đại dịch Covid-19. Sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp (DN) lâm vào phá sản... Đóng vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, hoạt động của hệ thống ngân hàng (NH) cũng không tránh khỏi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Song với phương châm tập trung thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các NH đã sớm vào cuộc, chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Giao dịch khách hàng tại chi nhánh ngân hàng VietinBank.
Giao dịch khách hàng tại chi nhánh ngân hàng VietinBank.

Nhiều DN lao đao vì dịch bệnh

Năm 2020, kinh tế - xã hội diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, tác động mạnh đến mọi ngành, lĩnh vực. Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là một trong những ngành có mức giảm mạnh nhất do bị tác động sớm, nặng nề nhất và khả năng phục hồi trở lại sẽ chậm hơn so với các ngành nghề khác.

Giám đốc điều hành Khách sạn 5 sao Sen Trắng (Công ty TNHH Sen Trắng - Thừa Thiên Huế) Lê Thị Hương Giang cho biết, từ tháng 3-2020, toàn bộ hoạt động đi lại, du lịch của khách quốc tế bị đình trệ. Hoạt động kinh doanh của khách hàng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng với việc khách hàng đã hủy 80% lượng đặt tiệc trong tháng 1, tháng 2-2020 cũng như hủy toàn bộ sự kiện đã đặt trước các tháng 3, 4, 5, 8 đến giữa tháng 9-2020.

Đòn bẩy vốn giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh -0
 Bà Lê Thị Hương Giang - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sen Trắng.

“Với giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động trong lĩnh vực sự kiện, nhà hàng, doanh thu năm 2019 của DN là 12,5 tỷ đồng, doanh thu năm 2020 chỉ đạt 40% doanh thu năm 2019. Đối với giai đoạn 2 là kinh doanh khách sạn, vì dịch bệnh, thiên tai cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, thời gian đi vào hoạt động chậm trễ so với dự kiến, từ đó làm phát sinh thêm nhiều chi phí trong thời gian thi công. Kế hoạch kinh doanh của công ty theo đó cũng gặp nhiều khó khăn” - bà Hương Giang chia sẻ. Hiện nay, việc duy trì bộ máy hoạt động là một thách thức với DN. Tuy nhiên, Công ty cũng đã dùng mọi nguồn lực để có thể trả lương, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Tương tự, Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) cũng đang phải gồng mình vật lộn để khắc phục những hậu quả nặng nề do thiên tai và dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hoa chia sẻ, Dự án Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào tháng 10-2020. Nhưng do ảnh hưởng từ hai đợt bùng phát dịch Covid-19 khiến chuyên gia Ấn Độ không sang kịp, cũng như các linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài vận chuyển về gặp khó khăn, nên công trình bị đình trệ phải lùi ngày vận hành dự kiến đến tháng 12-2020.

Chưa hết, do ảnh hưởng bão, lũ kéo dài từ ngày 9-10-2020 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, công trình Thủy điện Rào Trăng 3 đã xảy ra sạt lở làm sập nhà điều hành khiến 17 người mất tích (trong đó có 11 người là cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo chuẩn bị cho giai đoạn vận hành khi dự án thực hiện xong).

Tính đến ngày 24-11-2020, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy sáu thi thể và hiện công tác tìm kiếm 11 công nhân mất tích vẫn đang được nỗ lực triển khai. “Việc kéo dài thời gian đưa vào hoạt động đã làm chi phí đầu tư của dự án tăng hơn 44 tỷ đồng so với dự toán được duyệt ban đầu. Đây thật sự là một khó khăn cho DN, rất cần sự sẻ chia, đồng hành từ nhiều phía, nhất là NH để cùng DN vượt qua" - ông Lê Văn Hoa cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thừa Thiên Huế - TS Dương Tuấn Anh, năm 2020, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng do hai đợt dịch Covid-19. Đặc biệt, từ giữa quý 1-2020 và quý 3-2020, khi dịch bùng phát, lan rộng trong cộng đồng, việc thực hiện giãn cách xã hội đã tác động mạnh đến hoạt động của các DN cũng như đời sống việc làm của người lao động tại Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Đồng hành cùng DN

Trước những khó khăn của DN, các NHTM lớn của Nhà nước như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã sẵn sàng, kịp thời vào cuộc để cùng cộng đồng DN vượt qua. Đơn cử như với Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3, VietinBank chi nhánh Thừa Thiên Huế đã thực hiện cho vay theo tỷ lệ 70:30 đối với tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án. Giảm lãi suất vay cho toàn bộ dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh, theo đó số tiền hỗ trợ DN từ việc giảm lãi vay là khoảng 6 tỷ đồng. Đồng thời, kéo dài thời gian giải ngân khoản vay đến 31-12-2021 và kéo dài thời gian ân hạn là 36 tháng kể từ ngày tiếp theo của ngày giải ngân đầu tiên, để Công ty có thời gian sắp xếp nguồn vốn, ổn định nhân sự. Bên cạnh việc hỗ trợ công ty, VietinBank cũng thăm hỏi, gửi kinh phí hỗ trợ các gia đình nạn nhân bị mất tích trong vụ sạt lở ở Rào Trăng 3. “Việc làm này của NH đã phần nào xoa dịu nỗi đau của các gia đình nạn nhân, đồng thời thể hiện việc đồng hành cùng Công ty trong khi khó khăn” - ông Lê Văn Hoa nói.

Hay như với Công ty TNHH Sen Trắng, VietinBank cũng đã hỗ trợ DN một cách thiết thực, cụ thể như giảm lãi suất cho vay trung hạn 1% đối với toàn bộ dư nợ vay, với dư nợ gốc được giảm lãi là 132 tỷ đồng; thực hiện cơ cấu nợ ba đợt do dịch bệnh tái bùng phát ảnh hưởng toàn bộ đến hoạt động kinh doanh của khách hàng; đồng thời đồng hành hỗ trợ khách hàng từ các hoạt động giảm các loại phí, tác động thúc đẩy nhanh tiến độ đền bù bảo hiểm VBI do bão lụt gây ra.

Và không chỉ hai DN nêu trên, hàng nghìn DN khác trong cả nước cũng đã được VietinBank hỗ trợ kể từ thời điểm kinh tế trong nước đối diện với nhiều thách thức từ dịch bệnh Covid-19. Nhằm chung tay cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chính phủ giải bài toán kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, VietinBank đã chủ động xây dựng và triển khai hiệu quả bài toán kép đặt ra cho chính mình. Đó là vừa chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng khôi phục sau dịch bệnh, đồng thời NH cũng tái cấu trúc hoạt động để phát triển bền vững, bảo đảm hiệu quả hoạt động kinh doanh và lợi ích của cổ đông. Từ đó, có thêm điều kiện hỗ trợ DN và nền kinh tế. Ban lãnh đạo VietinBank cũng đặt kế hoạch dành 4.000 tỷ đồng thu nhập của VietinBank để hỗ trợ DN và người dân thông qua việc hạ lãi suất cho vay; cắt, giảm, miễn phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng.

Ngoài ra, trong vai trò là NH chủ lực, trụ cột, VietinBank tiên phong, chủ động  triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tính đến ngày 18-12-2020, gần 7.000 khách hàng được VietinBank nhận diện bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được giải ngân mới gần 400 nghìn tỷ đồng, trong đó khách hàng DN chiếm hơn 95%. VietinBank cũng đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với gần 2.000 khách hàng. Đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, VietinBank đang hỗ trợ hạ lãi suất với mức hạ lãi suất từ 0,1% đến 2% cho khoảng 8.000 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất lên tới gần 300 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, VietinBank cũng triển khai hàng loạt gói tín dụng và chương trình ưu đãi với lãi suất trong nhóm thấp nhất thị trường để hỗ trợ khách hàng DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ; đưa ra các giải pháp phù hợp với từng khách hàng, nhóm khách hàng để cơ cấu lại hoạt động. Tới giữa tháng 12-2020, gói tín dụng ưu đãi hằng quý với lãi suất chỉ từ 4,3%/năm với các khoản vay bằng VND và 2,0%/năm với các khoản vay bằng USD với tổng doanh số giải ngân năm 2020 đạt gần 220 nghìn tỷ đồng và gần 2 tỷ USD. Gói ưu đãi “Vay ưu đãi - Lãi tri ân” đã triển khai tới 61.701 khách hàng với dư nợ gần 100 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt để kịp thời hỗ trợ DN nhỏ và vừa, VietinBank triển khai Gói ưu đãi dành cho khách hàng DN nhỏ và vừa ngành thương mại phân phối kinh doanh hàng hóa dịp Tết năm 2021với lãi suất từ 4,0%/năm, đến nay đã giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng....

Trong bối cảnh năm 2021 diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, lãnh đạo VietinBank khẳng định và cam kết: VietinBank sẽ đáp ứng kịp thời, đầy đủ tất cả các nhu cầu vốn và dịch vụ NH chính đáng, cần thiết của DN và người dân; đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, có hiệu quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đòn bẩy vốn giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh -0
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thời gian qua, toàn hệ thống NH nói chung, trong đó có VietinBank đã đồng hành cùng các DN trong vay vốn nhằm phát triển các dự án quan trọng như giao thông, thủy lợi, đầu tư các khu công nghiệp. Ngoài đồng hành cùng DN, VietinBank cũng giúp ích rất nhiều cho vấn đề phát triển đời sống địa phương, nổi bật là đồng hành với tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai các hạng mục của đô thị thông minh; nghiên cứu, cung ứng dịch vụ thẻ điện tử cho các DN; xây dựng cổng thanh toán dịch vụ trực tuyến - đây là dấu ấn quan trọng giúp tỉnh nâng cao tỷ lệ người dân tham gia sử dụng dịch vụ hành chính công.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế