Đối thoại với “Ngày rộng” để thêm yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống

NDO - Những ngày này, đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), người yêu hội họa sẽ được đắm chìm trong không gian đa sắc của triển lãm “Ngày rộng” lần thứ 4, để được hướng tâm hồn mình ra thế giới chung quanh bằng xúc cảm trong trẻo, trìu mến.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc không gian triển lãm "Ngày rộng".
Một góc không gian triển lãm "Ngày rộng".

“Ngày rộng” là “cuộc chơi” nghệ thuật của các họa sĩ có tuổi đời khác nhau, đến từ các địa phương khác nhau và mang phong cách nghệ thuật khác nhau. Đó là: Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Lê Anh, Nguyễn Quang Hoan, Trần Cường (Kuolg Trần) và Phạm Khải - những họa sĩ đã từng gây dấu ấn với nhiều triển lãm nhóm và cá nhân.

Có lẽ bởi thế mà hơn 50 tác phẩm trưng bày tại Triển lãm đều lấp lánh vẻ đẹp riêng. Là những sáng tác mới được “thai nghén” trong khoảng một năm qua, các tác phẩm đã khắc họa những rung động đẹp đẽ của người nghệ sĩ trước những khoảnh khắc của quá khứ - hiện tại, gửi đi thông điệp về vẻ đẹp và tình yêu thiên nhiên, cuộc sống.

Đối thoại với “Ngày rộng” để thêm yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống ảnh 1

Tác phẩm "Xuân hoài niệm" của tác giả Phùng Văn Tuệ. (Ảnh: Ban tổ chức)

Ngắm nhìn những tác phẩm được thể hiện theo phong cách hội họa trừu tượng như “Xuân hoài niệm”, “Ngày trắng”, “Sớm xuân”… của họa sĩ Phùng Văn Tuệ, sẽ thấy mỗi bức tranh giống như sự phóng chiếu nhận thức, cảm xúc nội tâm của chính khán giả, khơi gợi và kích thích mong muốn được giải mã của người thưởng thức.

“Mọi sự vật, mọi cảm xúc rồi sẽ thay đổi và mất đi cùng với thời gian nên tôi luôn muốn lưu giữ trên bề mặt tranh những thời khắc của thiên nhiên và cuộc sống đang chuyển động không ngừng xung quanh, cũng như những thăng giáng và biến chuyển của tâm trí và cảm xúc. Bởi vậy, những tác phẩm này chính là sự kết tinh đến từ cả bên ngoài và bên trong, từ cả sự chuyển dịch và lắng đọng mà tôi muốn chia sẻ đến các bạn yêu nghệ thuật” – họa sĩ Phùng Văn Tuệ chia sẻ.

Đối thoại với “Ngày rộng” để thêm yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống ảnh 2

Tác phẩm "Một mảnh sân trường" của tác giả Nguyễn Lê Anh. (Ảnh: Ban tổ chức)

Trong khi đó, với họa sĩ Nguyễn Lê Anh, hội họa giống như những mảnh ký ức, cảm xúc, suy tư được sắp đặt và biểu hiện bằng ngôn ngữ của màu sắc, bố cục, đường nét. Thế nên ở những tác phẩm như “Một mảnh sân trường”, “Bên khung cửa – Chiều” hay “Giai điệu phố”..., người xem đều như bắt gặp những câu chuyện của quá khứ, những ấn tượng trong hiện tại và cả những gợi mở tương lai đan xen, hòa quyện…

Đối thoại với “Ngày rộng” để thêm yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống ảnh 3

Tác phẩm "Bình yên nơi vùng cao" của tác giả Nguyễn Quang Hoan. (Ảnh: Ban tổ chức)

Vẫn tiếp tục với đề tài phong cảnh theo lối vẽ hậu ấn tượng, nhưng đến với “Ngày rộng” lần này, họa sĩ Nguyễn Quang Hoan mang đến nhiều khác biệt bất ngờ khi bố cục, màu sắc tác phẩm được thể hiện đơn giản, chắt lọc hơn, không gian và thời gian cũng được khắc họa kỹ hơn. Những tác phẩm như “Bình yên nơi vùng cao”, “Tháng 3”, “Một chút thu”… là những dấu ấn đầy rung động của tác giả về những vùng đất mà anh đã đi qua.

Sử dụng màu sắc, bút pháp mạnh mẽ với nhiều yếu tố của ngôn ngữ tượng trưng và biểu hiện, những tác phẩm như “Lạc giữa mùa xuân”, “Hoài cổ”, “Đêm xanh”... của họa sĩ Trần Cường (Kuolg Trần) lại thể hiện quá trình đi tìm chính mình của tác giả. “Tôi thường tự đặt tôi vào một bối cảnh nào đó, như một giấc mơ, một không gian tưởng tượng, hay cũng có thể chỉ là một góc nhìn nào đó về hiện thực tôi đang sống, hay nói đơn giản là tôi vẽ chính bản thân tôi và tôi đặt mình vào trong đời sống của chính những sáng tác tôi tạo ra” - Kuolg Trần bày tỏ.

Đối thoại với “Ngày rộng” để thêm yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống ảnh 4

Tác phẩm "Lạc giữa mùa xuân" của tác giả Trần Cường. (Ảnh: Ban tổ chức)

Còn với chàng họa sĩ trẻ tuổi nhất nhóm - Phạm Khải, qua những bức tranh của anh như “Giấc chiêm bao”, “Tiếng gà rừng”, “Trở về”…, người xem vẫn bị thu hút bởi tình yêu nồng nàn dành cho Hà Nội đầy thi vị, cổ kính, và dành cho quê hương nơi tác giả sinh ra với những đỉnh núi cao vời vợi, những bản làng bình yên trong nắng sớm...

Dù mang những phong cách sáng tác khác nhau nhưng các họa sĩ đã đồng hành bền bỉ qua 4 mùa “Ngày rộng”, cho thấy sự gặp gỡ về quan niệm nghệ thuật cũng như đích đến của các tác phẩm. Đúng như chia sẻ của họa sĩ Lê Anh: qua triển lãm, nhóm muốn làm mờ đi ranh giới của phong cách, địa lý, tuổi tác… hướng đến sự hài hòa trong đa dạng, giúp nhóm đi cùng nhau được lâu dài với nhiều hoạt động hiệu quả hơn.

Đối thoại với “Ngày rộng” để thêm yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống ảnh 5

Tác phẩm "Giấc chiêm bao" của tác giả Phạm Khải. (Ảnh: Ban tổ chức)

Triển lãm “Ngày rộng” sẽ diễn ra đến hết ngày 30/10/2024.