Đối thoại với thiên nhiên bằng hội họa

NDO - Từ việc quan sát kỹ lưỡng những biến chuyển của thiên nhiên trên làng chài La Gi yên bình, Hoàng Thiện Phúc tìm đến phương pháp thực hành hội họa mới. Anh vẽ tranh thông qua ghi chép.
Không gian triển lãm “Cây quân tử”. (Ảnh: Mơ Art Space)
Không gian triển lãm “Cây quân tử”. (Ảnh: Mơ Art Space)

Kéo dài đến hết ngày 24/11, “Cây quân tử” là trưng bày cá nhân thứ hai của Hoàng Thiện Phúc ở Thủ đô Hà Nội. Triển lãm giới thiệu 15 bức tranh khổ lớn và 2 tác phẩm điêu khắc gốm, là kết quả của hơn 3 năm Phúc làm việc miệt mài kể từ lần ra mắt đầu tiên tại Mơ Art Space.

Hoàng Thiện Phúc sinh ra và lớn lên ở La Gi, một làng chài ven biển nằm ở phía nam tỉnh Bình Thuận. Năm 2020, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Phúc lựa chọn gắn bó với Sài Gòn và hòa vào đời sống nghệ thuật đô thị sôi động.

Thế nhưng, sau quãng thời gian dài trải nghiệm, anh quyết định trở về La Gi để bắt đầu hành trình tìm lại chính mình. Tại đây, Phúc dành thời gian suy ngẫm về sự liên kết giữa hội họa và cuộc sống. Anh đào sâu tìm hiểu về mối quan hệ cộng sinh giữa việc thực hành nghệ thuật, cảnh quan tự nhiên và những thay đổi trong nếp sống, văn hóa địa phương.

Với tôi, văn chương là nền tảng khơi nguồn cảm hứng cho các sáng tác hội họa. Nếu sử dụng lối phác thảo thông thường, vô hình trung, sự sáng tạo đã bị cố định trong khung hình ảnh được áng chừng trước đó.

Họa sĩ Hoàng Thiện Phúc

“Nghệ thuật, trước hết là sự khám phá bản thân thông qua việc mã hóa các chất liệu từ cuộc sống. Lần trở về này, tôi muốn làm mới mình, từ cách tiếp cận đề tài đến phương pháp vẽ tranh. Trước khi vẽ, tôi giãi bày hết những tâm tư trên trang giấy, ghi chép cẩn thận những gì mình thấy và trình bày chúng theo kết cấu văn xuôi”, Hoàng Thiện Phúc hồi tưởng về quá trình sáng tác.

Phúc hình thành bố cục bức tranh thông qua các đoạn văn, từ đó hình thành kết cấu bức tranh một cách mạch lạc. “Với tôi, văn chương chính là nền tảng khơi nguồn cảm hứng cho các sáng tác hội họa. Nếu sử dụng lối phác thảo thông thường, vô hình trung, sự sáng tạo đã bị cố định trong khung hình ảnh được áng chừng trước đó”, Phúc chia sẻ.

Đối thoại với thiên nhiên bằng hội họa ảnh 1

Thiên nhiên được khắc họa một cách sinh động trong tranh Hoàng Thiện Phúc.

Trong tranh của Hoàng Thiện Phúc, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, dù ở khía cạnh vật chất hay tinh thần, luôn có một sự tương thuộc sâu sắc. Mối quan hệ ấy sẽ phát sinh mâu thuẫn khi một trong hai đánh mất sự tôn trọng với bên còn lại. Việc chứng kiến môi trường tự nhiên ở quê hương dần bị biến đổi theo hướng tiêu cực đã thôi thúc Phúc tập trung và đào sâu về đề tài này.

Quá trình sáng tác của Phúc bắt đầu từ những quan sát và theo dõi thế giới quan xung quanh qua lăng kính của một người trẻ. Từ đó, anh khám phá các vấn đề nội tại của nhiều nhóm cộng đồng khác nhau.

Hoàng Thiện Phúc khắc họa thiên nhiên trong trạng thái bị biến đổi bởi đời sống sinh hoạt. Những cây dừa oằn mình chống chọi với sức mạnh của gió bão miền biển. Thực vật bản địa trơ trọi bám víu vào sự sống dù chỉ còn một chiếc lá. Hàng cây bị bao quanh bởi những ống nhựa, dây rợ và rác thải.

Đặt tên triển lãm là “Cây quân tử”, tác giả lý giải: "Đó là loài cây vẫn có thể sống sót dù đặt trong bất cứ hoàn cảnh ngặt nghèo nào. Bất chấp điều kiện sống khó khăn, cây vẫn tiếp tục vươn mình mọc thẳng, hướng về phía trước".

Đối thoại với thiên nhiên bằng hội họa ảnh 2

"Cây quân tử” cũng là tên của một tác phẩm được trưng bày tại triển lãm.

Trong loạt tranh này, Phúc không giới hạn chất liệu biểu đạt. Anh dùng sơn dầu, sơn mài và cả len để vá lại những vết nứt trong mối quan hệ của thiên nhiên và con người. Bên cạnh đó, việc sử dụng lối vẽ trực hoạ cũng góp phần đánh thức những cảm xúc mãnh liệt vốn có của nghệ sĩ.

“Thiên nhiên đã cho chúng ta quá nhiều thứ và hoàn toàn có khả năng khước từ những nhu cầu của con người. Thay vì áp bức và khai thác quá đà, chúng ta cần tôn trọng và ứng xử hài hòa với môi trường sống”, họa sĩ trẻ cho hay.

Tác phẩm của Hoàng Thiện Phúc đã lột tả những hình ảnh siêu thực về một cảnh quan bị biến đổi hóa học, bị định hình bởi sự xâm lấn và tàn phá của con người.

Họa sĩ dùng những gam màu neon rực rỡ cuốn hút ánh nhìn người xem, gợi lên ý niệm về quá trình thiên nhiên chịu tác động bởi công nghiệp hóa. Hình khối giản lược, kết hợp với bảng màu đậm nét mang đến cho chủ thể hiệu ứng điêu khắc, đa chiều.

Mỗi bức tranh của Hoàng Thiện Phúc là một biểu đạt cá nhân sâu sắc, ẩn chứa các tầng ý nghĩa, phản ánh cuộc đối thoại nội tâm của nghệ sĩ. Đồng thời, tác phẩm cũng là lời hồi đáp của anh trước những nghi vấn, trăn trở về sự thay đổi từ môi trường xung quanh.