Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo kế hoạch, từ tháng 4 đến tháng 9/2023, cơ quan này tổ chức chuỗi các hội nghị đối thoại, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và người sử dụng lao động tại một số khu công nghiệp-khu chế xuất trên cả nước.
Chương trình diễn ra tại 3 miền, mỗi miền chọn 4 tỉnh đại diện - nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cụ thể, cụm miền bắc gồm các địa phương: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. Cụm miền trung gồm có: Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Khánh Hòa. Cụm miền nam gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Ngay trong ngày 26/4, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị theo hình thức trên tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của hơn 200 đại biểu là cán bộ phụ trách công tác nhân sự, chính sách bảo hiểm xã hội; cán bộ công đoàn cơ sở; cùng đại diện người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này.
Người lao động đặt câu hỏi về chính sách tại hội nghị ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Tâm Trung) |
Mục đích của chương trình nhằm kịp thời hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho người lao động, người sử dụng lao động những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Tính đến hết tháng 3/2023, cả nước có hơn 17,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cùng với đó, có khoảng 14,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và khoảng gần 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm hơn 92% dân số.
Phát biểu tại hội nghị, bà Dương Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, trong từng giai đoạn, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Với định hướng xây dựng một “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”, lấy người dân làm trung tâm cho mọi hoạt động, các cơ quan hành chính trong bộ máy Chính phủ đã có nhiều chuyển biến quan trọng, hiệu quả tổ chức thực hiện các dịch vụ công và chất lượng phục vụ người dân ngày càng được nâng lên.
Thực hiện chủ trương bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho mọi người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gia tăng nhanh chóng.
Đối thoại với doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Tính đến hết tháng 3/2023, cả nước có hơn 17,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cùng với đó, có khoảng 14,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và khoảng gần 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm hơn 92% dân số.
Riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, có gần 150 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ 21,7% lực lượng lao động. Số tham gia bảo hiểm y tế là hơn 1,15 triệu người, đạt độ bao phủ 92 % dân số.
Với số đối tượng lớn và tăng dần qua các năm, nhu cầu được hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách của người tham gia cũng luôn phát sinh, đòi hỏi ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam không ngừng cải tiến, hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách cho người tham gia.
Thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều kênh tư vấn, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đó là các kênh như: Tổng đài điện thoại, Cổng thông tin điện tử, mạng xã hội (Zalo, Fanpage,…). Hình thức hội nghị tư vấn, đối thoại này là một kênh tương tác trực tiếp với người lao động, người dân và doanh nghiệp.
“Hội nghị cũng đồng thời là kênh thông tin quan trọng, tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người lao động, người sử dụng lao động đối với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức ngành bảo hiểm xã hội; quy trình tổ chức thực hiện…
Trên cơ sở đó, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp các ý kiến, để từ đó có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, với Quốc hội trong việc xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với thực tiễn và nhu cầu, mong muốn của người dân. Hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã góp phần hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, vì sự hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”, bà Dương Ngọc Ánh nhấn mạnh
Tại hội nghị, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông tin về một số điểm mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến người dân.
Đó là: Mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý đại biểu, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương được tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ thai sản với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm để được hưởng lương hưu…
Nhân dịp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện lấy ý kiến khảo sát người dân, doanh nghiệp về một số nội dung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung đang được lấy ý kiến nhân dân và dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Trên cơ sở đó, cơ quan này sẽ tổng hợp ý kiến của người dân để tham mưu trong quá trình hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.