Theo Reuters, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự tại Ukraine vẫn đang diễn biến căng thẳng, các nhà lãnh đạo EU đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của khối nhằm giúp Ukraine ổn định với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận sâu rộng về tình hình tại Ukraine và các biện pháp hỗ trợ cần thiết. Đến nay, EU đã cam kết hỗ trợ hơn 130 tỷ euro cho Ukraine. Khoản viện trợ này không chỉ nhằm duy trì sự ổn định tài chính của Ukraine mà còn giúp nước này mua sắm các trang thiết bị quân sự cần thiết.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) António Costa khẳng định, EU cam kết sát cánh cùng Ukraine cho đến khi chấm dứt cuộc xung đột quân sự với Nga. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gửi đi một thông điệp thống nhất từ châu Âu về sự ủng hộ đối với Ukraine. EU cũng đang hành động để khôi phục và ổn định hệ thống năng lượng của Ukraine, vốn đã bị tổn hại nặng nề trong cuộc xung đột. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, đây là ưu tiên hàng đầu của EU trong mùa đông năm nay.
Để hỗ trợ Ukraine, EU cam kết cung cấp thêm vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự. Đồng thời, EU khẳng định, sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết Ukraine, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của nước này và tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga.
Ngoài vấn đề Ukraine, cuộc họp cũng sẽ tập trung thảo luận chiến lược toàn cầu của EU trong bối cảnh thế giới ngày càng đa cực. Chủ tịch Costa nhấn mạnh việc mở rộng EU là khoản đầu tư địa-chính trị quan trọng nhất trong khu vực lân cận. EU cần xây dựng mạng lưới đối tác toàn cầu mạnh mẽ, cân nhắc lợi ích riêng của các nước và tìm kiếm điểm chung để hợp tác. Đồng thời, châu Âu cũng cần tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vừa bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh của khu vực, vừa thúc đẩy thương mại song phương.
Một điểm đáng chú ý khác là phát triển quan hệ chiến lược giữa EU và Vương quốc Anh trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc đã được thiết lập sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit). Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ tập trung vào báo cáo của ông Sauli Niinistö, Cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban châu Âu về việc nâng cao khả năng sẵn sàng dân sự và quân sự của EU.
Chương trình nghị sự của cuộc họp còn bị chi phối bởi mối quan hệ với Mỹ trong tình hình mới. EU tuyên bố sẵn sàng thảo luận các vấn đề thương mại, trong đó có năng lượng, với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Phát biểu ý kiến với báo giới, Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Olof Gill nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với Tổng thống đắc cử Trump về cách thức chúng tôi có thể củng cố mối quan hệ vốn đã bền chặt, trong đó có việc thảo luận về lợi ích chung của chúng tôi trong lĩnh vực năng lượng”.
Tuyên bố trên được ông Gill đưa ra sau khi ông Trump cảnh báo về khả năng áp thuế EU nếu khối này không mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ. Ông Trump cho rằng, EU phải bù đắp khoản thâm hụt khổng lồ của mình với Mỹ thông qua việc mua dầu và khí đốt với số lượng lớn. Nếu không, khối này sẽ phải đối mặt với việc áp đặt thuế. Đáp lại, EU nhấn mạnh dù ghi nhận thâm hụt thương mại hàng hóa với EU, song Mỹ lại đạt thặng dư trong dịch vụ. Theo Eurostat, trong năm 2023, thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ và EU là 155,8 tỷ euro (162,51 tỷ USD), song lại đạt thặng dư 104 tỷ euro trong dịch vụ.
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nhiệm kỳ của Chủ tịch EUC António Costa. Ông kỳ vọng các cuộc họp sẽ không chỉ tạo động lực mới cho EU mà còn củng cố vai trò của liên minh trên trường quốc tế, khẳng định cam kết về một tương lai bền vững, thịnh vượng và hòa bình cho toàn châu Âu.