Công ước về AI đã được xây dựng trong nhiều năm và thông qua vào tháng 5 vừa rồi sau các cuộc thảo luận giữa 57 nước. Công ước giải quyết các vấn đề rủi ro mà AI có thể mang lại, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo có trách nhiệm.
Bà Shabana Mahmood, Bộ trưởng Tư pháp Anh cho biết: "Công ước này là một bước quan trọng để đảm bảo rằng các công nghệ mới sẽ được tận dụng mà không làm mất đi những giá trị lâu đời của chúng ta, như nhân quyền và luật pháp".
Công ước về AI tập trung chủ yếu vào bảo vệ nhân quyền của những người bị ảnh hưởng bởi các hệ thống AI và tách biệt với Đạo luật AI của EU có hiệu lực vào tháng 8.
Đạo luật AI của EU bao gồm các quy định toàn diện về việc phát triển, triển khai, và sử dụng AI trong thị trường EU.
Hội đồng châu Âu được thành lập năm 1949, là một tổ chức quốc tế khác biệt với EU có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, với 46 nước thành viên, trong đó có 27 nước thành viên của EU.
Vào năm 2019, một ủy ban đặc biệt bắt đầu kiểm tra về tính khả thi của hiệp ước khung về AI, và vào năm 2022, Ủy ban Trí tuệ nhân tạo được thành lập để soạn thảo và đàm phán hiệp ước.
Các bên ký kết có thể lựa chọn áp dụng hoặc duy trì các biện pháp về pháp lý, hành chính, hoặc các biện pháp khác để thực hiện các điều khoản hiệp ước.
Chính phủ Anh cho biết họ sẽ làm việc với các cơ quan quản lý, các cơ quan hành chính được phân quyền, và các chính quyền địa phương để bảo đảm thực hiện các yêu cầu mới một cách phù hợp.