Đổi mới vật liệu xây dựng, hướng tới trung hòa carbon

NDO - Từ năm 2005 đến cuối năm 2023, thế giới đã có 7.364 sáng chế liên quan đến vật liệu xây dựng giảm phát thải carbon.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Ngày 14/11, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo “Xu hướng công nghệ phát triển vật liệu xây dựng hướng tới giảm thiểu phát thải carbon”.

Hội thảo được tổ chức với hai hình thức trực tiếp tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ và trực tuyến qua nền tảng Google Meet.

Tại hội thảo, các chủ đề chính được thảo luận bao gồm xu hướng phát triển vật liệu xây dựng ít phát thải trên cơ sở sáng chế quốc tế; kỹ thuật kết hợp phụ phẩm công nghiệp trong bê-tông bền vững; nghiên cứu ứng dụng tro xỉ nhiệt điện trong bê-tông để giảm khí thải nhà kính, cùng nhiều kết quả nghiên cứu về vật liệu xây dựng phát thải thấp từ các phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

Khai mạc hội thảo, ông Võ Ngọc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự cần thiết của ngành xây dựng trong việc chuyển đổi và cải tiến vật liệu để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Đổi mới vật liệu xây dựng, hướng tới trung hòa carbon ảnh 1
Ông Võ Ngọc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2020 đã tiêu thụ 44% tổng lượng tro xỉ nhiệt điện phát sinh và tồn trữ, cụ thể các ứng dụng tro xỉ nhiệt điện tại Việt Nam tập trung chủ yếu làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất xi-măng và bê-tông.

Theo các chuyên gia, ngành xây dựng không chỉ đòi hỏi nguồn năng lượng lớn trong quá trình sản xuất vật liệu (xi-măng, sắt, thép…), mà còn tạo ra lượng phát thải carbon đáng kể trong suốt vòng đời của công trình, từ giai đoạn thi công, vận hành đến khi phá dỡ.

Để xử lý hiện trạng trên, hội thảo giới thiệu các nghiên cứu về việc đổi mới vật liệu xây dựng kết hợp công nghệ thay thế nhằm giảm thiểu phát thải carbon.

Tiến sĩ Lê Văn Quang, Giám đốc Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam đã giới thiệu nghiên cứu về “Ứng dụng tro xỉ nhiệt điện trong sản xuất bê tông cốt thép, góp phần giảm phát thải khí nhà kính”.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy, tro xỉ nhiệt điện có hàm lượng các thành phần vô cơ nguy hại thấp hơn nhiều so với ngưỡng chất thải nguy hại được quy định, nhờ đó phù hợp để tái sử dụng trong vật liệu xây dựng.

Đổi mới vật liệu xây dựng, hướng tới trung hòa carbon ảnh 2

Chuyên gia phát biểu tại hội thảo.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Trọng Phước, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường đại học Cần Thơ đề xuất thiết kế bê-tông sử dụng phương pháp DMDA (thuật toán, thiết kế, hỗn hợp đặc). Đây được xem là giải pháp bền vững cho phát triển, vì nó sử dụng ít xi-măng hơn các phương pháp truyền thống và tiêu thụ nhiều phụ phẩm công nghiệp (vật liệu pozzolan).

Từ kết quả một số nghiên cứu sản xuất ứng dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp tại Khoa Công nghệ vật liệu, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Sơn, Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đổi mới sáng tạo trong công nghệ vật liệu đóng vai trò quan trọng trong giảm phát thải sản xuất, ứng dụng.

Theo thống kê, từ năm 2005 đến cuối năm 2023 thế giới đã có 7.364 sáng chế liên quan đến vật liệu xây dựng giảm phát thải carbon. Đặc biệt, số lượng sáng chế tăng nhiều từ năm 2015 với hơn 400 sáng chế mỗi năm, chủ yếu được đăng ký tại Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hội thảo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thêm nhiều sáng chế vật liệu thân thiện với môi trường, tối ưu hóa thiết kế công trình; qua đó, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải carbon.