Ưu điểm của chế phẩm cao lỏng được bào chế từ tam thất

NDO - Ngày 5/12, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp Trung tâm Khoa học và Công nghệ dược Sài Gòn (Trường đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức sự kiện hợp tác công nghệ với chủ đề: “Quy trình công nghệ sản xuất cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng từ Tam thất chế (Processed Panax notoginseng) hỗ trợ điều trị ung thư”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi hợp tác công nghệ.
Quang cảnh buổi hợp tác công nghệ.

Phát biểu tại buổi hợp tác, ông Võ Ngọc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cho đến nay, trên thị trường Việt Nam, sản phẩm từ tam thất hỗ trợ điều trị ung thư được bào chế từ tam thất chế dạng Hồng sâm còn khá hạn chế.

Đa số các sản phẩm được bào chế từ tam thất ở dạng bột Tam thất, hoặc viên nén, viên nang… mà chưa có dạng cao lỏng. Đây là dạng bào chế cho hiệu quả cao hơn trong hấp thu so với các dạng bào chế viên nén, viên nang được cấp phép lưu hành trên thị trường.

Tiến sĩ Lê Thị Hồng Vân, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tam thất là một dược liệu quý trong y học cổ truyền, thuộc họ nhân sâm. Đây là dược liệu khá đặc biệt gần như toàn bộ các bộ phận của tam thất được sử dụng. Bộ phận sử dụng chính của tam thất là bộ phân nằm dưới mặt đất, đó là thân rễ và rễ củ của tam thất.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Thị Hồng Vân, trong y học cổ truyền, tam thất được biết đến như một dược liệu có tác dụng tăng lực, bổ dưỡng, cầm máu, có tác dụng ức chế tăng trưởng khối u và các nghiên cứu của khoa học hiện đại chứng minh tam thất có tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư trên nhiều dòng tế bào ung thư, có tác dụng chống xơ hóa…

Như vậy, chúng ta thấy rằng rất cần thiết phát triển một sản phẩm từ tam thất, nhất là tam thất được trồng ở Việt Nam bằng cách hấp ở nhiệt độ cao để tăng hoạt tính hỗ trợ điều trị ung thư.

Ưu điểm của chế phẩm cao lỏng được bào chế từ tam thất ảnh 1
Tiến sĩ Lê Thị Hồng Vân, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tại buổi hợp tác công nghệ.

Ở thị trường Việt Nam, người dân thường quen sử dụng tam thất ở dưới dạng bột tam thất, xay bột khô ra sử dụng, hoặc một số đơn vị bào chế dạng viên nang. Việc nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng từ tam thất chế hỗ trợ điều trị ung thư được cho là có hiệu quả trong hấp thu hơn so với các dạng bào chế viên nén, viên nang.

Từ đó, có thể đưa kết quả nghiên cứu vào phát triển sản phẩm cao lỏng từ tam thất chế hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư, cũng như nhiều tác dụng hỗ trợ khác mang lại từ tam thất.

Tại sự kiện, Trung tâm Khoa học và Công nghệ dược Sài Gòn đã ký kết biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Xuân, Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn thiết kế-xây dựng, thương mại và dịch vụ Hưng Thịnh nhằm tìm hiểu Quy trình công nghệ sản xuất cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng từ tam thất chế (Processed Panax notoginseng).