Đổi mới thể chế để phát triển bền vững

Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 như miễn, giảm, giãn thuế, phí…, Việt Nam cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, đổi mới thể chế kinh tế và giảm rủi ro trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV)
Ảnh minh họa. (Nguồn: VOV)

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 đang trở thành thách thức trước tác động tiêu cực từ các yếu tố bất lợi của tình hình kinh tế thế giới cũng như các điểm nghẽn về nền tảng tăng trưởng trong nước.

Dư địa chính sách tài khóa

Tại Báo cáo Đánh giá kinh tế thường niên năm 2022 của Trường đại học Kinh tế quốc dân (Báo cáo) công bố mới đây, nhóm nghiên cứu nhận định động lực tăng trưởng trong năm 2023 của Việt Nam đến từ các yếu tố cơ bản như sự tăng trưởng trở lại của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành dịch vụ du lịch và lưu trú; đầu tư công và tác động của các gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thực hiện trong năm cuối cùng với quyết tâm mạnh mẽ hơn.

Nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Trong bối cảnh phải hỗ trợ nền kinh tế hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp đáng kể, thì khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn.

GS Tô Trung Thành, đồng chủ biên Báo cáo nhận định: Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có tính chất quyết định và còn dư địa để thực hiện. Các nội dung cần lưu ý về chính sách tài khóa bao gồm: Làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất các gói hỗ trợ tài khóa thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Riêng gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% trị giá 40 nghìn tỷ đồng có hiệu quả rất thấp do triển khai thực hiện chậm, do đó, có thể xem xét dừng gói hỗ trợ này và điều chuyển nguồn lực sang các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn; đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn, hoãn các loại thuế, phí để cải thiện tính thanh khoản cho doanh nghiệp.

Đây là giải pháp rất quan trọng và đã thực hiện khá hiệu quả trong những năm đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch trong giai đoạn tới cần chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Trong quá trình thực thi chính sách cần bảo đảm rõ ràng, minh bạch, giảm những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ.

Chính sách tiền tệ và tỷ giá trong giai đoạn này cần phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần áp dụng công cụ hạn mức tín dụng một cách linh hoạt hơn, có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của các ngân hàng thương mại; kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Cải thiện các nền tảng tăng trưởng

Tuy nhiên, trên đây là những giải pháp ngắn hạn, mang tính chất ứng phó với những cú sốc từ bên ngoài. Để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững cần có các giải pháp dài hạn mang tính chất nền tảng mà cơ bản nhất là cải thiện các nền tảng tăng trưởng, nhất là về thể chế kinh tế.

“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn về thể chế kinh tế để tháo gỡ, xem đây là chìa khóa mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có khả năng bước vào giai đoạn suy thoái mới. Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch, Việt Nam cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, đổi mới thể chế kinh tế và giảm rủi ro trong tương lai”, GS Tô Trung Thành nói.

Để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững cần có các giải pháp dài hạn mang tính chất nền tảng mà cơ bản nhất là cải thiện các nền tảng tăng trưởng, nhất là về thể chế kinh tế.

Các giải pháp được Báo cáo khuyến nghị là tập trung vào hoàn thiện thể chế; xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động; tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; tinh giản và kiện toàn bộ máy hành chính; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo, bảo đảm thể chế kinh doanh bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp; bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; tăng cường hỗ trợ nâng cao công nghệ và năng lực quản trị; thực hiện liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2022, theo cơ cấu ngành sản xuất, đóng góp chính vào tăng trưởng là khu vực dịch vụ (đóng góp 56,65% vào tăng trưởng GDP), tiếp theo là ngành công nghiệp, xây dựng (đóng góp 38,24%) và ngành nông, lâm, thủy sản (đóng góp 5,11%). Theo dự báo, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2023 do sự suy giảm của thị trường xuất khẩu, dẫn đến khó khăn của khu vực doanh nghiệp.

Vì vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được chú trọng thông qua các giải pháp giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trong nước.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, trong đó có thị trường bất động sản. Thị trường này phát triển ổn định, lành mạnh, sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngược lại, thị trường bất động sản thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho người dân và gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Do đó, ổn định và phát triển thị trường bất động sản là một trong những vấn đề trọng tâm của công tác điều hành chính sách trong năm 2023.

GS Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân)