Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số

NDO - Theo đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế về kinh tế số vì đây là một nội dung rất cấp thiết nhằm hợp lực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) phát biểu trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) phát biểu trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Xu thế kinh tế số là bước phát triển tất yếu

Phát biểu trong phiên thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế-xã hội sáng 27/10, đại biểu Lê Hoàng Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ, xu thế kinh tế số là bước phát triển tất yếu đối với kinh tế quốc gia và là cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.

Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á của Google, quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỷ USD, đóng góp khoảng 6% GDP, xếp thứ 3/6 thị trường lớn nhất của ASEAN và 14/50 thị trường lớn nhất của châu Á.

Bên cạnh đó, Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới về sở hữu tiền kỹ thuật số và tài sản không thể thay thế NFT. Thanh toán điện tử bùng nổ tăng 3.000% về giá trị so với năm 2016. Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3/27 kỳ lân công nghệ về thu hút vốn khởi nghiệp và đóng góp vốn, dẫn đầu nhóm 34 quốc gia thu nhập trung bình thấp với thứ hạng 44/132 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).

Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai đánh giá cao việc Chính phủ ban hành kịp thời cũng như thống nhất với quan điểm, định hướng chiến lược của Chính phủ trong Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số ảnh 1

Phiên thảo luận ở hội trường sáng 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển kinh tế số của Việt Nam chiếm tỷ trọng 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10 %. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Đại biểu Lê Hoàng Hải cho rằng, đây là những mục tiêu đầy thách thức.

Bên cạnh một số kết quả ấn tượng, đại biểu cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia, bao gồm những thách thức về thể chế, đo lường quy mô kinh tế số, vấn đề dữ liệu lớn và chuyển dữ liệu xuyên biên giới, hạ tầng số, chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ, rủi ro an toàn, an ninh mạng, lộ trình và giải pháp quản lý tiền kỹ thuật số…

Nâng cao khả năng sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp

Để hợp lực chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế kinh tế số. Theo đó, cần sớm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để bảo vệ mỏ vàng của kinh tế số; ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát để hỗ trợ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo các mô hình kinh kinh doanh số, tài sản số, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, bất động sản số, bảo hiểm số, giáo dục số và y tế số. Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, thống nhất thước đo kinh tế số theo giá trị gia tăng chứ không theo doanh thu.

Cần xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, thống nhất thước đo kinh tế số theo giá trị gia tăng chứ không theo doanh thu.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai)

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần sớm nghiên cứu và thử nghiệm tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương; xây dựng cơ chế thúc đẩy, chia sẻ dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia; xây dựng chương trình hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số.

Tạo lập môi trường thuận lợi hơn nữa cho đổi mới sáng tạo, tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác công tư trong nghiên cứu phát triển công nghệ mới, an ninh mạng.

Đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng hạ tầng số và nhân lực số. Hạ tầng số phải đi trước một bước thúc đẩy phổ cập danh tính điện tử toàn dân, tạo một nền tảng dữ liệu quốc gia có thể được chia sẻ giữa các tổ chức và doanh nghiệp, phủ sóng 5G, tăng đầu tư cho đào tạo gắn với chuyển đổi số.

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số ảnh 2

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp. Theo đại biểu, công thức chuyển đổi số của doanh nghiệp chính là hiểu tầm quan trọng sống còn của chuyển đổi số cộng với sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành bằng hành động và đột phá.

Nhấn mạnh ngành công nghệ thông tin có vai trò lớn trong công tác định hướng, dẫn dắt, lan tỏa tới nhu cầu và khả năng chuyển đổi số của các ngành kinh tế khác, đại biểu Lê Hoàng Hải đề xuất Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, và các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục thu hút vốn đầu tư FDI, chuyển giao công nghệ và tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam trong các công nghệ số hàng đầu thế giới như mạng 5G, 6G, điện toán đám mây, chuỗi khối, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…

Đại biểu nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến động, bất ổn và điều kiện nguồn lực có hạn, việc xây dựng các kịch bản chuyển đổi số và thường xuyên đánh giá cập nhật kịch bản có thể giúp khắc phục kịp thời các khó khăn, thách thức, qua đó các mục tiêu phát triển kinh tế số 2025-2030 sẽ trở nên khả thi hơn.

Ngoài ra, việc xây dựng các kịch bản chuyển đổi số sẽ giúp các ngành, doanh nghiệp xây dựng mục tiêu, lộ trình, kịch bản cho phát triển kinh tế số tại đơn vị mình phù hợp, hiệu quả hơn.