Tìm hiểu nội dung các văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng

Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng đề ra ba đột phá chiến lược phù hợp với giai đoạn mới, trong đó đột phá chiến lược thứ nhất là: "Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật" (1).

Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) luôn được Ðảng ta quan tâm đặc biệt. Kể từ Ðại hội IX của Ðảng tháng 4-2001, Ðảng ta đã khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và kể từ đó đến nay vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được đặt ra cấp bách trong các Ðại hội X, XI, XII, XIII của Ðảng. Ban Chấp hành Trung ương đã ra hai nghị quyết chuyên đề về vấn đề này: Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN (trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X).

Ðại hội XIII của Ðảng nâng lên tầm cao mới về chủ trương, quan điểm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Báo cáo chính trị được Ðại hội XIII của Ðảng thông qua có 15 mục lớn, thì mục lớn thứ 4 là: "IV - Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" với ba nội dung quan trọng:

Thứ nhất, thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, Ðại hội XIII khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ðó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, có ba điểm nổi bật: Một là, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia. Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành. Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, kể cả các dịch vụ công cơ bản. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử. Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm... trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng, công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại. Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ðẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại để nâng cao hiệu quả, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ, trang trại trong nông nghiệp. Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường…

Thứ ba, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, Ðại hội XIII chỉ rõ: "Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia. Ða phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế" (2).

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đầu tiên là: "Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội". Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh. Phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ... Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng và quản lý thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng trong tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước. Cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Xây dựng nhanh nền hành chính hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm đến mức thấp nhất rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. Ðẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt. Ðổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Củng cố, hoàn thiện hệ thống chính quyền địa phương; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương…

Như vậy, có thể khẳng định Ðại hội XIII của Ðảng, trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới đất nước, nhất là từ Ðại hội IX (2001) đến nay; 10 năm (2011 - 2020) thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hơn ba năm thực hiện Nghị quyết số 11 - NQ/TW ngày 3-6-2017 Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, đã bổ sung, nâng tầm chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập… Ðể những chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp này đi vào cuộc sống, trên cơ sở quán triệt sâu sắc, nắm chắc nội dung, thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, Ðảng đoàn Quốc hội chỉ đạo xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và giám sát việc thực hiện; Ban cán sự Ðảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi chương trình hành động, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm phát huy lợi thế và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đất nước phát triển nhanh và bền vững, đạt được mục tiêu Ðại hội XIII đề ra; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.

PGS, TS Vũ Văn Phúc

Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Ðảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG ST, H.,2021. tr 337-338.

(2) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG ST, H.,2021. tr 135 - 136.