Dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực, điều này dễ dàng được nhận thấy qua những con số vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố. Theo đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2023 ước tăng 5,1% so tháng trước, và tăng 3,6% so cùng kỳ 2022. IIP hai tháng đầu năm 2023 tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước.
Song song sự cải thiện của nhu cầu thị trường, hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 96,06 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD. Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu đó là có tám mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có ba mặt hàng xuất khẩu hơn 5 tỷ USD). Xu hướng gia tăng của đơn hàng khiến cho lĩnh vực lao động, việc làm theo đó cũng đang dần ấm lên. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/2/2023 tăng 0,5% so cùng thời điểm tháng trước.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới (không bao gồm vốn điều chỉnh, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 1,76 tỷ USD, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước. Riêng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 36,9% so cùng kỳ năm 2022. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so cùng kỳ 2022.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy thêm những tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế, như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ năm trước; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước; tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 2/2023 ước đạt 112,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 242 nghìn tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán năm, và tăng 6% so cùng kỳ năm trước; lạm phát tiếp tục được kiểm soát…
Tập trung tháo gỡ cả phía cung và cầu
Dữ liệu mới nhất của S&P Global cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại khi PMI ngành sản xuất Việt Nam đã tăng lên trên ngưỡng không thay đổi 50 điểm vào tháng 2. Với mức 47,4 điểm trong tháng 1/2023 lên mức 51,2 điểm, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện. Nhân tố chính dẫn đến cải thiện sức khỏe ngành sản xuất là sự cải thiện của nhu cầu thị trường. Điều này giúp các công ty có được khách hàng mới và có số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 2; đây là lần tăng đầu tiên trong bốn tháng.
Nhìn nhận về kết quả phục hồi nền kinh tế trong hai tháng vừa qua, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: "Những đơn hàng tuy chưa nhiều, nhưng vô cùng quý giá. Nó như liều doping tinh thần để tiếp thêm niềm tin kinh doanh, tạo động lực cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Với xu hướng nhu cầu thị trường được cải thiện, số lượng đơn hàng tăng trở lại, chúng ta có quyền lạc quan về triển vọng sản lượng của những tháng tiếp theo. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, mặc dù còn nhiều thách thức cần vượt qua, nhưng tôi tin rằng, nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mức 6,5% như Quốc hội đã đề ra".
Bàn về giải pháp nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, các chuyên gia cho rằng: Nhà nước cần tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn ở cả phía cung và phía cầu. Về phía cung, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, tháo gỡ khó khăn về vốn (như: rà soát để tiếp tục thực hiện giãn hoãn, miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ (hạ lãi suất, cho vay ưu đãi, duy trì lãi suất cho vay ở mức phù hợp…), tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về phía cầu, tập trung các giải pháp khai thác triệt để và đẩy mạnh hơn nữa sức cầu nội địa thông qua việc kích cầu tiêu dùng, du lịch, khai thác có hiệu quả khu vực thị trường nội địa và tập trung giải ngân, chi tiêu đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để kích cầu các mặt hàng nguyên vật liệu xây dựng, sắt thép…
Với chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện và xu hướng chuyển dịch điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để tham gia các chuỗi giá trị công nghiệp chế tạo đa quốc gia. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn lỏng lẻo, khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Do đó, theo các chuyên gia, Bộ Công thương cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, để duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, tiếp tục trình ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành như: Gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023; ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định (sáu tháng hoặc đến hết năm 2023).