Mạnh từ cơ sở
Xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn vinh dự là một trong những xã tiêu biểu của huyện Sóc Sơn tích cực xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới tiến tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa nông thôn, chính quyền xã luôn đồng hành với người dân, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí. Sau 7 năm đầu tư nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đến nay xã Đức Hòa có 19/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Phó chủ tịch UBND xã Đức Hòa, Nguyễn Quốc Đoàn cho biết.
Chương trình xây dựng nông thôn mới luôn được sự hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Mỗi tổ chức hội dựa theo nhiệm vụ được phân công đều có những hoạt động thiết thực, cụ thể. Điển hình như hội phụ nữ xã Đức Hòa đã tiến hành phân loại xử lý rác thải bằng chế phẩm IMO nhằm nỗ lực xây dựng mô hình cánh đồng không khói.
Các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng được hội nông dân thu gom, xử lý triệt để theo mô hình sạch đồng ruộng. Toàn bộ trang trại chăn nuôi trên địa bàn luôn bảo đảm tuân thủ nguyên tắc giữ khoảng cách với trường học, trạm y tế, khu dân cư… tối thiểu 200m.
Chương trình xây dựng nông thôn mới luôn được sự hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể. |
Còn tại xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn người dân lại chọn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao được người dân ưu tiên phát triển theo hướng hàng hoá chất lượng cao. 100% diện tích trồng lúa tại địa phương đã được áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến.
Xã đang được UBND huyện Sóc Sơn thí điểm canh tác một số giống lúa hữu cơ chất lượng cao như J01, J02, BC 15, HD11, HDT10, TBR225, VNR20, lúa cao sản, lúa dược phẩm chức năng nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt cũng được quan tâm thực hiện, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất lúa đạt trên 99%.
Bên cạnh đó, mô hình trồng cây dược liệu cũng đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang chia sẻ: Cây dược liệu bắt đầu được đưa về và trồng tại thôn Yên Sào từ năm 2015, nhờ chọn giống thuần chủng, ứng dụng kỹ thuật thâm canh hữu cơ, cơ giới hóa khâu sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến để chế biến dược liệu thành các sản phẩm trà thảo mộc chất lượng cao như trà ướp hoa, trà hoa, các loại thảo dược túi lọc tiện dụng… mô hình trồng cây dược liệu đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3, 4 lần so với các cây trồng truyền thống khác.
Mô hình trồng cây dược liệu cũng đem lại giá trị kinh tế cao. |
Phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Theo Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh: Hiện trên địa bàn huyện chưa có xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu, trong năm 2023, huyện Sóc Sơn thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí tại 25/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thực hiện hoàn thành thêm 8 xã nông thôn mới nâng cao (Nam Sơn, Xuân Giang, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Tiên Dược, Mai Đình, Trung Giã), 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Đức Hòa, Phù Linh, Phù Lỗ), 2 xã (Xuân Giang, Quang Tiến) phấn đấu hoàn thành cả nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023, các xã còn lại hoàn thành từ 6 đến 10 tiêu chí NTM nâng cao trở lên trong năm 2023.
Đồng thời, phấn đấu trên 80% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; Giá trị sản xuất ngành kinh tế tập thể tăng từ 5 đến 10%. Phấn đấu có thêm 50 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên; duy trì, 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.
Đời sống tinh thần của người dân được quan tâm. |
Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, ở đó người dân là chủ thể, đóng vai trò quan trọng và trực tiếp thụ hưởng thành quả, vì thế huyện Sóc Sơn luôn phát huy vai trò sức dân. Đồng thời, nhất quán phương châm chỉ đạo là xây dựng nông thôn mới phải gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn.
Để công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, theo Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn cần tập trung phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, duy trì giao ban, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai, thực hiện Chương trình gắn với rà soát và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.
Đến nay, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%. Đào tạo nghề, tổ chức đào tạo nghề cho hơn 8.000 lượt, giải quyết được 8.225 việc làm cho người lao động, đạt 100% kế hoạch.
Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 0,34%; 100% số xã kết nối internet; hầu hết các hộ gia đình có điện thoại; Công tác an ninh trật tự được bảo đảm. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 100%.
Ngoài những nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, thành phố cũng cần có các chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất quy mô lớn; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng với việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Có chính sách tháo gỡ về đất đai trong việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung… Hy vọng với những nỗ lực của người dân cũng như sự vào cuộc của các cấp chính quyền, huyện Sóc Sơn sẽ sớm xây dựng được những miền quê đáng sống.