Dân vận góp phần xây dựng nông thôn mới

Vận động nhân dân thực hiện từng việc từ cơ sở và có “sản phẩm” cụ thể, cách làm này của huyện Thanh Trì đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề quan trọng để xã thành phường, huyện thành quận trong giai đoạn tới.
0:00 / 0:00
0:00
Đường giao thông nông thôn ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. (Ảnh Thanh Hồng)
Đường giao thông nông thôn ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. (Ảnh Thanh Hồng)

Dân chúng tôi đi thăm sân chơi khang trang với nhiều thiết bị tập luyện thể dục hiện đại trong thôn, bà Lê Thị Hằng ở thôn Cổ Điển A (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) phấn khởi cho biết:

Những năm trước, nhiều hộ dân để rác không đúng nơi quy định, hai ao gần nhà văn hóa bị ô nhiễm, đường làng, ngõ xóm không được xanh, sạch, đẹp như hiện nay. Từ năm 2018, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, tất cả đã đổi thay.

Chính quyền cùng nhân dân cùng góp công góp sức kè ao, làm lan-can bảo vệ, trồng cây xanh chung quanh. Giờ đây, đường làng ngõ xóm trên địa bàn xã khang trang, sạch đẹp, do người dân đã ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Hằng ngày, các gia đình bảo nhau cùng dọn vệ sinh, chăm sóc những tuyến đường hoa.

Cùng với sự đầu tư của huyện, người dân đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng để tham gia kè ao hồ, cải tạo sân chơi. “Chúng tôi kiên quyết thu hồi và giữ bằng được các diện tích đất công để xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân, cho nên tất cả người dân đều hưởng ứng, đồng thuận rất cao”, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Tứ Hiệp Nguyễn Xuân Hoàn nói.

Tại xã Yên Mỹ, công tác dân vận chính quyền cũng đi vào thực chất, nhất là việc vận động người dân tham gia công tác xã hội hóa, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên địa bàn. Ðại diện Ðảng ủy xã cho biết, xã đã vận động mỗi nhân khẩu đóng góp 2.000 đồng/người/tháng để thành lập quỹ xây dựng, chăm sóc những tuyến đường hoa và nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân.

Các đoàn thể xây dựng mô hình tự quản vệ sinh môi trường các tuyến đường. Trong đó hằng tuần, hàng chục lượt hội viên phụ nữ ra quân chăm sóc, làm cỏ tuyến đường hoa hồng đẹp, trở thành điểm nhấn về cảnh quan môi trường; đoàn viên thanh niên thì thu dọn vệ sinh, xử lý các điểm rác.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, công tác dân vận được triển khai với từng nhiệm vụ cụ thể, nhất là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đề án từ xã lên phường.

Như việc xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội, sau khi được tuyên truyền vận động, cùng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều ao hồ trên địa bàn được kè rất khang trang, trong đó bên cạnh ngân sách đầu tư từ huyện, người dân tham gia ủng hộ làm lan-can an toàn, lắp đặt các thiết bị tập luyện thể dục, rồi tự giác dọn dẹp vệ sinh môi trường. “Khi tất cả cùng chung tay, cùng thụ hưởng, kết quả đạt được rất cao”, lãnh đạo Huyện ủy Thanh Trì nói.

Việc làm tốt công tác dân vận đã tạo sự đồng thuận cao từ cơ sở giúp huyện Thanh Trì đạt bước tiến nhanh trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, huyện chỉ có xã Liên Ninh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhưng đến nay, toàn bộ 15 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, về đích trước hai năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (kế hoạch được giao đến năm 2025, huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).

Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Thanh Trì bố trí hơn 2.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông; hơn 2.300 tỷ đồng thực hiện 102 dự án hạ tầng văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, dịch vụ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hiện tại, huyện có 87,6% số trường học đạt chuẩn quốc gia; tất cả các xã đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế. Toàn huyện cũng kè được 32 ao, hồ trong khu dân cư kết hợp với làm đường hoa, cây xanh... Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của Thanh Trì đạt 70 triệu đồng.

Đối với nhiệm vụ phát triển huyện thành quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, qua đánh giá các tiêu chuẩn mới theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến thời điểm này, huyện Thanh Trì đã đạt 27 trong số 31 tiêu chuẩn thành lập quận; bốn tiêu chuẩn chưa đạt, gồm: Cân đối thu chi ngân sách, trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ tuyến phố văn minh, công trình xanh.

Theo các tiêu chuẩn thành lập phường thuộc quận, huyện Thanh Trì hiện có 16/16 đơn vị đủ điều kiện đạt tối thiểu 10 trong số 13 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nguyễn Thị Thu Huyền, thời gian tới, khối dân vận từ huyện đến cơ sở sẽ tập trung vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia hơn nữa thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện hiệu quả đề án phát triển huyện thành quận, xã thành phường trong giai đoạn tới.