Phát huy những mô hình kinh tế nổi bật
Thanh Trì được coi là huyện đi đầu trong khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế nông hộ. Từ nhiều năm trước, địa phương đã phát động phong trào cải tạo vườn tạp, khai hoang phục hóa để trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.
Đến nay, những vườn cây nhiều năm tuổi, những ao hồ nuôi cá sông liên tục phát triển, tiếp tục khẳng định được hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình nơi đây.
Tại xóm 7, xã Yên Mỹ, khu vườn của gia đình nông dân làm kinh tế giỏi Nguyễn Mạnh Hồng luôn xanh tốt quanh năm. Trên diện tích vườn rộng hơn 2ha, gia đình ông Hồng đã mạnh dạn đầu tư 600 triệu đồng xây khu nhà màng với hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng dưa lưới công nghệ cao theo mô hình của Israel.
Dưới bàn tay cần mẫn và kinh nghiệm canh tác tự đúc kết, vườn dưa lưới đã đem lại nguồn lợi kinh tế không chỉ cho gia đình ông, mà còn cho gần 10 lao động địa phương với mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Khu nhà màng được dựng bằng thép, chịu lực tốt, toàn bộ quá trình tưới nước và bón phân đều được dẫn đến tận gốc cây theo hệ thống tự động đã cài đặt sẵn.
Trồng dưa lưới trong nhà màng giúp chắn mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, do đó không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, dưa lưới không trồng trực tiếp xuống đất, mà được trồng trong chậu gồm mạt cưa trộn xơ dừa, thêm một ít phân chuồng và phân vô cơ tạo chất dinh dưỡng nuôi cây. Thời gian bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch khoảng 70 ngày.
Nguyễn Mạnh Hồng nông dân làm kinh tế giỏi tại xóm 7, xã Yên Mỹ
Nhờ quy trình chăm sóc khép kín, dưa thu hoạch đạt trọng lượng từ 1,4 đến 1,5 kg/trái, năng suất tốt, được thương lái thu mua trực tiếp tại vườn với giá thành dao động từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg. Đây là mức thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần trồng lúa, nên gia đình ông Hồng và nhiều hộ gia đình trong xóm, xã rất yên tâm sản xuất.
Mô hình dưa lưới công nghệ cao của ông Nguyễn Mạnh Hồng. |
Bên cạnh phát triển kinh tế vườn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện còn phát triển mô hình nuôi cá sông trong ao, hồ, theo mô hình tạo sông trong ao không chỉ giúp giảm chi phí nuôi, đem lại sản phẩm cá có thịt săn chắc, không có mùi hôi tanh như cá nuôi truyền thống, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, gia tăng nguồn lợi kinh tế
Đến thăm mô hình nuôi cá sông trong ao của anh Nguyễn Văn Thiêm (mô hình đã đi vào hoạt động gần hơn 10 năm nay), tận mắt chứng kiến quy trình nuôi thả cá khoa học của anh Thiêm và gần 50 hộ gia đình đang liên kết sản xuất, mới thấy quyết tâm vươn lên làm giàu của người dân nơi đây.
Anh Thiêm cho biết, mô hình nuôi cá sông trong ao mỗi năm cho sản lượng khoảng từ 50 đến 60 tấn/ha, đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho 70 lao động tại địa phương, thu nhập 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Diện tích nuôi trồng thủy sản của hợp tác xã công nghệ cao Đại Áng. |
Trên diện tích 10ha mặt nước, anh Thiêm đầu tư xây các bể nuôi cá trắm trắng, chép lai và rô phi đơn tính. Thức ăn nuôi cá được sản xuất theo công nghệ Mỹ bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện nay, số lượng cá đều tiêu thụ mạnh tại các tỉnh khu vực phía bắc. Trong đó, rô phi là loại cá đang được thị trường tiêu thụ khá tốt.
Đồng thời, môi trường khu nuôi cá sông trong ao rất sạch sẽ do nguồn phân thải ra được thu gom và nước tại các bể nuôi cá luôn được luân chuyển, lưu thông an toàn với môi trường.
Điều đáng nói là những mô hình ao nuôi, phát triển kinh tế vườn, không chỉ gia tăng giá trị kinh tế cho gia đình, mà còn hỗ trợ giải quyết bài toán lao động tại địa phương. Hiện, nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình tại huyện Thanh Trì đã và đang và là điểm sáng của nông nghiệp Thủ đô.
Đồng bộ giải pháp tăng sức mạnh cho kinh tế nông hộ
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Mỹ Trần Quang Khải, từ những thành công trong mô hình kinh tế nông hộ tại địa phương, đặc biệt là những hộ gia đình đang thành công trong trồng dưa lưới, xã sẽ triển khai trồng dưa lưới áp dụng công nghệ Israel theo hướng hữu cơ, chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
Mô hình này là hướng đi mới giúp người dân địa phương tăng thu nhập và có thể nhân rộng. Hiện, dưa lưới là loại cây có giá trị kinh tế cao, tuy chi phí đầu tư cao hơn so với dưa hấu truyền thống nhưng bán được giá và không lo đầu ra.
Thêm vào đó, thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn nên có thể trồng được 3-4 vụ/năm. Vì vậy, huyện Thanh trì đang xây dựng kế hoạch và quy hoạch vùng trồng để bảo đảm sự hài hòa trong cung cầu.
Quy trình sơ chế bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của hợp tác xã công nghệ cao Đại Áng. |
Mô hình trồng dưa lưới tại địa phương đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm của mô hình thường xuyên được các cơ quan chức năng của Hà Nội lấy mẫu đi kiểm tra và đều bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm, bước đầu được người tiêu dùng chấp nhận.
Không chỉ bán hàng theo kênh truyền thống, dưa lưới còn được các chủ hộ, hợp tác xã trên địa bàn liên kết với đơn vị cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể nhà trường, công ty để tiêu thụ sản phẩm với sản lượng lớn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng kinh tế huyện Thanh Trì
Để hỗ trợ kinh tế nông hộ, huyện Thanh Trì ngoài linh hoạt các chính sách về vốn, phát triển cơ sở hạ tầng đã tăng cường phổ biến, yêu cầu các hội làm vườn và trang trại cấp huyện, xã, bảo đảm yếu tố môi trường, tuân thủ quy chuẩn sản xuất an toàn.
Thông qua tuyên truyền, khuyến khích người dân các địa phương hưởng ứng phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn hiệu quả.
Hiện ở Thanh Trì đã và đang xuất hiện nhiều hơn những vườn cây được trồng theo hàng lối, bài bản, có quy hoạch và cùng không ít những khu vườn được cải tạo cây tạp để trồng cây ngắn ngày, cây dài ngày, cây ăn quả, thậm chí nhiều vườn hộ chuyên canh sinh vật cảnh với nhiều loại cây quý có giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Không chỉ mang giá trị kinh tế, nhiều loại cây quý hiếm khác còn mang giá trị văn hóa được cộng đồng ghi nhận.
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay 15/15 các xã của huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025. Đây là kết quả rất lớn, có ý nghĩa quan trọng để Hà Nội tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh, nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Tính đến thời điểm hiện tại, phát triển kinh tế nông hộ đang đi đúng hướng và đây là một mắt xích quan trọng để Thanh Trì hoàn thành tiêu chí thu nhập, môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, huyện sẽ tiếp tục duy trì chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh và bảo đảm vệ sinh môi trường; tổ chức thực hiện hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo quyết định của thành phố.
Đồng thời, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng văn hóa xã hội theo hướng đô thị, hiện đại, đồng bộ bảo đảm hoàn thành tiêu chí phát triển lên quận và nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.
Quản lý tốt quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, dân sinh bức xúc, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tập trung, chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, củng cố, phát triển các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch. Đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại các xã.