Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Tháng 4/2021, Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) chính thức được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp nối kết quả đạt được, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn đang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huyện phấn đấu đến hết năm 2025 có 40% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng nấm theo công nghệ Hàn Quốc tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Mô hình trồng nấm theo công nghệ Hàn Quốc tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Cách đây 10 năm, xuất phát điểm của huyện Sóc Sơn không mấy thuận lợi. Bình quân các địa phương mới đạt 5/19 tiêu chí nông thôn mới. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân cư dân nông thôn chỉ đạt 18,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 15%.

Nỗ lực thay đổi diện mạo nông thôn

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Kim Lữ cho biết, vượt qua khó khăn, nhờ sự đồng lòng, quyết tâm, vừa qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn đã vinh dự được đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo của Sóc Sơn thay đổi hoàn toàn.

Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân năm 2021 đạt 52,4 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần năm 2010); tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%. Tính đến cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 -2020. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 77%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 100%.

Bên cạnh đó, nhiều nhóm tiêu chí cũng đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê-tông hóa; tỷ lệ đường trục chính nội đồng cứng hóa; trạm y tế xã, thị trấn được xây dựng đồng bộ với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân đều đạt 100%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn chia sẻ, trong suốt chặng đường xây dựng nông thôn mới, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong giai đoạn 2010-2020, tổng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện là 4.419 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân đóng góp là 1.286,4 tỷ đồng (chiếm 29,1%). Xác định nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, huyện đã từng bước đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.

Năm 2010, huyện Sóc Sơn có hơn 47 nghìn hộ tham gia sản xuất nông nghiệp, 151 trang trại, 53 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp lúc đó bộc lộ nhiều hạn chế, chính sách đất đai kìm hãm sự phát triển của kinh tế trang trại. Cùng với việc triển khai nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất, huyện tập trung vào công tác dồn điền đổi thửa tại 121 thôn, làng trên tổng số 24 xã với tổng diện tích hơn 10.845 ha, góp phần hình thành vùng sản xuất lớn theo quy hoạch vùng sản xuất, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đến nay, huyện Sóc Sơn có hơn 200 hợp tác xã. Trong đó, nhiều hợp tác xã có liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân; Hợp tác xã nông, lâm nghiệp Bắc Sơn… Tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất lúa từng bước được nâng cao đạt gần 98,6% tổng diện tích. Tỷ lệ che phủ ni-lông cho mạ đạt hơn 98,8%. Quy mô và sản lượng đàn gia súc, gia cầm tăng cao, toàn huyện có 3.480 con trâu, hơn 26 nghìn con bò, gần 83 nghìn con lợn; 2.307.000 con gia cầm...

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Mặc dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng song quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở Sóc Sơn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn chưa nhiều; chưa phát triển rộng rãi mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã để sản xuất tiêu thụ nông sản. Công tác quản lý quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở một số xã còn nhiều bất cập.

Cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh để thu hút được các hộ gia đình, các doanh nghiệp đầu tư. Vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất khu vực nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh…

Từ nay đến hết năm, huyện Sóc Sơn phấn đấu 100% các xã duy trì thực hiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Các xã hoàn thành ít nhất 50% số tiêu chí về nông thôn mới nâng cao. Hoàn thành nông thôn mới nâng cao tại các xã: Phù Lỗ, Đức Hòa, Phù Linh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Văn phòng xây dựng nông thôn mới huyện Sóc Sơn cho biết, thời gian tới huyện Sóc Sơn sẽ rà soát, thực hiện đề án, kế hoạch hoàn thành nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo bền vững, tăng hộ khá, giàu, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn. Cùng với đó, huyện đề nghị thành phố Hà Nội sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu); Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Hiện nay, huyện Sóc Sơn chưa được phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu Đô thị vệ tinh Sóc Sơn cho nên chưa lập được quy hoạch chi tiết Khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn, và không thể triển khai các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao và các dự án đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa, trạm y tế theo tiêu chí nông thôn mới.

Do vậy, đề nghị UBND thành phố cho phép huyện Sóc Sơn đầu tư các dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất mở rộng khu dân cư hiện hữu, xây dựng trường học, nhà văn hóa, trạm y tế (đã có chức năng sử dụng đất cụ thể tại Quy hoạch chung Đô thị vệ tinh Sóc Sơn) nằm trong quy hoạch Đô thị vệ tinh Sóc Sơn để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.