Đà Nẵng đột phá

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), thành phố Đà Nẵng có bước phát triển vượt bậc, trở thành đô thị khang trang, hiện đại, được ghi danh trên bản đồ thế giới là điểm đến du lịch-thành phố yên bình, đáng sống. Nhiều chủ trương, chính sách vượt trội được ban hành, tạo ưu thế để thành phố tiếp đà tăng trưởng, xứng đáng là trung tâm chính trị-kinh tế-xã hội của miền trung và cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng nước sâu Liên Chiểu sắp hoàn thành phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Cảng nước sâu Liên Chiểu sắp hoàn thành phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Trong ngôi nhà khang trang trên con phố nhỏ ở trung tâm thành phố, cựu đội trưởng biệt động Đà Nẵng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Kiều Đa bồi hồi nhớ lại: “Cuối tháng 3/1975, lực lượng biệt động chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh vào nội thành Đà Nẵng, tiến công đánh chiếm 4 mục tiêu đầu não là Quân đoàn bộ - Quân đoàn I của địch, Tòa Thị chính, Đài Phát thanh và Quân vụ thị trấn Đà Nẵng.

Trong đó, tôi trực tiếp chỉ huy mũi tiến công phối hợp với lực lượng nội thành đánh chiếm Tòa Thị chính. Lúc đó, quân địch đã tan rã hầu hết, vì thế việc tiến đánh khá thuận lợi. Lúc 11 giờ 30 phút ngày 29/3/1975, chúng tôi tiến vào và cắm cờ trên nóc Tòa Thị chính. Đến 15 giờ 30 phút, Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng.

Cảm giác sung sướng, tự hào từ đó đến nay vẫn vẹn nguyên trong tôi. Giờ thì Đà Nẵng đã mang dáng vóc hoàn toàn mới so với 50 năm trước”.

Sau ngày giải phóng, trên cơ sở hợp nhất các quận I, II và III thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng được thành lập, bước đầu hình thành các ngành sản xuất công nghiệp và thương mại, đời sống người dân từng bước ổn định và cải thiện.

Ngày 1/1/1997, thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Sự thay đổi ngoạn mục có thể nhận thấy rõ nét nhất của Đà Nẵng từ thời điểm này là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và không gian đô thị.

Với quan điểm lấy đầu tư hạ tầng là khâu đột phá, hàng loạt dự án khu đô thị, khu dân cư mới, trung tâm hành chính, tuyến đường giao thông mới được hình thành và mở rộng. Các khu “nhà chồ” bên sông Hàn được giải tỏa, những cây cầu lần lượt bắc qua sông, những tuyến đường ven biển mở ra những không gian hướng biển mới. Sân bay quốc tế Đà Nẵng là 1 trong 3 sân bay lớn nhất Việt Nam.

Năm 2015, thành phố đã đưa vào khai thác cầu vượt Ngã ba Huế, cầu vượt 3 tầng đầu tiên và lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đà Nẵng từ đô thị loại II đã vươn lên loại I vào năm 2003.

Từ một đô thị nhỏ hẹp, hạ tầng kém sau chiến tranh với diện tích chỉ khoảng 5.600ha vào năm 1997, đến năm 2019, không gian đô thị Đà Nẵng đã được mở rộng gấp 3 lần với hạ tầng đô thị đồng bộ, văn minh, hiện đại, tạo nên sự thay đổi cả về tầm vóc, quy mô và diện mạo của thành phố.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: “Sau hơn 27 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thay đổi toàn diện như một kỳ tích về đô thị theo hướng văn minh hiện đại, có bản sắc riêng, được mệnh danh là thành phố đáng sống. Đà Nẵng cũng đã khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch châu Á và kết nối toàn cầu”.

Với hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là mạng lưới giao thông hiện đại, các khu du lịch nghỉ dưỡng mang đẳng cấp quốc tế, Đà Nẵng đang là thương hiệu du lịch quốc tế, là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung-Tây Nguyên.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có sức hấp dẫn của khu vực ASEAN.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, với các chủ trương, chính sách phù hợp trong khai thác nguồn lực, hoàn thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đoàn kết, phát huy tiềm năng và những điều kiện thuận lợi.

Có thời kỳ, cả thành phố như một công trường với hàng trăm công trình, dự án chỉnh trang, cải tạo đô thị. Hàng trăm nghìn hộ dân đã đồng lòng cùng chính quyền di dời nhà cửa, xây dựng lại các khu đô thị mới hiện đại, khang trang.

Những chính sách đột phá, linh hoạt như đổi đất lấy hạ tầng, Nhà nước và nhân dân cùng làm đã biến Đà Nẵng từ một đô thị nhỏ, lạc hậu nhanh chóng lột xác, trở thành điểm sáng của cả nước trong phát triển đô thị. Đó chính là nền tảng quan trọng để Đà Nẵng được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm, tìm đến để đầu tư.

Trong giai đoạn 1997-2024, nhờ huy động nhiều nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tếxã hội, hiệu quả đầu tư được cải thiện đáng kể với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

Đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: Hai nghị quyết (Nghị quyết 33- NQ/TW ngày 16/10/2003 và Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019) của Bộ Chính trị tạo nên bước ngoặt đối với Đà Nẵng. Trên cơ sở hai nghị quyết, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đề ra các chủ trương, giải pháp mang tính đột phá để đưa Đà Nẵng trở thành đô thị hạt nhân và là một cực tăng trưởng của khu vực miền trung-Tây Nguyên.

Cùng với phát triển kinh tế, Đà Nẵng chú trọng phát triển xã hội với những thành tựu quan trọng về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ.

Nhiều chủ trương, chính sách xã hội vượt trội, công tác an sinh xã hội của Đà Nẵng mang đậm tính nhân văn, như Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an”.

Những năm gần đây, thành phố đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho 2.495 đối tượng chính sách, giảm gần 10.000 hộ nghèo, giai đoạn 2022-2025.

Đà Nẵng cũng quan tâm chú trọng và thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi các đối tượng chính sách, người có công và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, dự án nhằm bảo vệ, chăm sóc cho đối tượng yếu thế trong xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Đình Thiên khẳng định: Đà Nẵng đang tích cực hiện thực hóa định hướng và những cơ hội mới thành những tuyến phát triển cụ thể. Khu Công nghệ cao, Trung tâm Nghiên cứu thiết kế chip bán dẫn hiện đại, Trung tâm Tài chính quốc tế-khu vực, cảng biển quốc tế Liên Chiểu, Trung tâm Thương mại tự do đang dần lộ diện, hình thành hệ sinh thái phát triển mới, bền vững và ráo riết “chớp thời cơ” với mức độ quyết liệt chưa từng thấy.

Sứ mệnh lịch sử lớn lao đang được Đảng bộ, chính quyền và người dân Đà Nẵng quyết tâm thực hiện để khẳng định thương hiệu, vai trò của thành phố động lực, trung tâm, cực đột phá tăng trưởng của miền trung và cả nước trong những năm tới.