Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức tạo động lực trong thi đua

Nhằm phát huy nội lực, sức mạnh quần chúng, tỉnh Thái Nguyên đã bám sát nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu trọng tâm để duy trì và phát động thi đua yêu nước. Các phong trào được đổi mới về nội dung, phương thức phù hợp tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tạo động lực trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ khai mạc Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lễ khai mạc Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Xây dựng nông thôn mới đáng sống

Trong bối cảnh phát triển mới, Tỉnh ủy, UBND, MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm, phát động thi đua bám sát nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực trọng yếu trong phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh đổi mới trong lãnh đạo, tổ chức thi đua, nổi bật qua các phong trào lớn: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”...

Các nội dung trọng tâm được coi trọng, gắn với đổi mới công tác tổ chức, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động, xây dựng và nhân rộng điển hình bảo đảm đem lại hiệu quả rõ rệt.

Phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Theo đó, toàn tỉnh thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ phát triển. Từng địa phương xác định rõ các nguồn lực, lộ trình để nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bảo đảm chất lượng, bền vững.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh trao đổi, giai đoạn 2021-2025 tỉnh có chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động hướng mạnh vào mục tiêu thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn, thành thị. Từ chương trình này hệ thống hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn thay đổi rõ rệt.

Hiện thành phố Thái Nguyên có gần 74 nghìn lượt hộ hội viên nông dân đăng ký tham gia phong trào, gần 40 nghìn lượt hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Toàn bộ các xã của huyện Phú Bình đạt chuẩn nông thôn mới.

Toàn tỉnh có 109 trong số 137 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Sỹ cho biết, mục tiêu của tỉnh đến hết năm 2025 có hơn 97% số xã cùng bảy đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới; bảo đảm môi trường cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, trở thành nơi đáng sống.

“Đầu tàu” chuyển đổi số

Một trong những thành quả quan trọng của phong trào thi đua ở tỉnh được thấy rõ qua việc triển khai Chính quyền số - trụ cột là “đầu tàu” trong hành trình chuyển đổi số của tỉnh. Thái Nguyên đã đạt bước tiến nhanh, đột phá trong chuyển đổi số. Đây là những kết quả ý nghĩa, ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng và sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn thể nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số”.

Theo đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính được duy trì ổn định, kết nối an toàn. Tỉnh đã hoàn thành kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đối với 36 kênh cấp tỉnh, huyện và toàn bộ 178 kênh cấp xã.

Hiện nay, hệ thống này đã kết nối thông suốt đến 100% các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Toàn tỉnh đã thực hiện được 23 trong số 25 dịch vụ công thiết yếu; cung cấp tích hợp 100% thủ tục hành chính toàn trình, gồm 760 thủ tục lên Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả 3 cấp.

Với sự ra đời của ứng dụng công dân số “C-ThaiNguyen” đã phát huy hiệu quả vai trò là nền tảng kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tăng cường.

Về phát triển đô thị thông minh, tỉnh đã triển khai thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Trên trụ cột xã hội số, hiện nay, toàn bộ các xã ở tỉnh đã có tổ công nghệ số cộng đồng, với tổng số 2.255 tổ được thành lập. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số, đưa các dịch vụ số phục vụ cuộc sống (như dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ việc làm, dịch vụ nhà ở...) tới người dân thông qua thiết bị di động, Thái Nguyên đã triển khai nền tảng xã hội số “Thai Nguyen ID”.

Một điểm sáng của Thái Nguyên trong phát triển xã hội số là triển khai mô hình Chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ sau hơn một năm triển khai, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 107 chợ 4.0. Đối với kinh tế số, ước doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh sáu tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 357 nghìn tỷ đồng, số lượng doanh nghiệp số trên địa bàn hiện nay là 324 doanh nghiệp.

Thực tế ghi nhận, thời gian qua, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các phong trào thi đua của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức tổ chức thực hiện.

Các phong trào đều gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở với các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của các phong trào. Tuy nhiên, hiện còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền và thủ trưởng cơ quan, đơn vị năng lực tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng còn hạn chế; chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát động và tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm hiệu quả.

Thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng cho biết, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn tỉnh. Đồng thời, Thái Nguyên triển khai các giải pháp tạo sự thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các tổ chức, đoàn thể từng địa phương, trong cơ quan, đơn vị nhằm phát huy sức mạnh, hiệu quả từng phong trào thi đua...