Với việc thực hiện chuyển đổi số, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG kiểm tra, nắm bắt tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm ở tất cả các dây chuyền sản xuất, nhà máy may ở khắp các huyện trên địa bàn toàn toàn tỉnh mà không phải đến tận nơi như trước. Ngược lại, 16 nghìn công nhân của công ty này biết được mức thu nhập của mình sau một ngày làm việc, vì năng suất, hiệu quả lao động đều được công khai, minh bạch trên hệ thống điều hành thông minh của doanh nghiệp. Nhiều công việc của doanh nghiệp được chính quyền giải quyết thông qua dịch vụ hành chính công cấp độ 4.
Về phía người dân, thay vì phải đến tận nơi như trước, người dân chỉ cần ở nhà để thực hiện các thủ tục hành chính cấp độ 4, như cấp đổi giấy phép lái xe, khai sinh, trả tiền điện, nước, học phí, viện phí..., điều đáng chú ý là người dân ở các xã cũng thực hiện các công việc này. Nhiều loại nông sản, thực phẩm được giao dịch trên môi trường mạng.
Dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, các nền tảng, giải pháp công nghệ số được ứng dụng để phòng, chống dịch; hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến các sở, ngành, cấp huyện, các xã được thực hiện phổ biến, trở thành thường lệ; các cuộc họp của tỉnh là các cuộc họp không giấy tờ; hệ thống quản lý văn bản đi-đến được thực hiện trên môi trường số. 100% thủ tục hành chính cấp độ bốn đủ điều kiện được công khai trên cổng dịch vụ công của tỉnh, đây là bước ngoặt đối với việc giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, tạo nên môi trường hành chính công khai, minh bạch.
Chuyển đổi số đang thực sự vận hành sôi động, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả ba trụ cột là chính quyền, kinh tế và xã hội số. Đạt được kết quả bước đầu, ấn tượng này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa cho biết: Xác định xu thế chuyển đổi số sẽ tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội, ngày 31/12/2020, Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, lấy ngày 31/12 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh, quyết liệt thực chính quyền, kinh tế và xã hội số bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, hiệu quả, trong đó xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm.
Để chuyển đổi số một cách thành công, Thái Nguyên chỉ đạo, trước hết là nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số, trong đó tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 01 đến 100% cán bộ, đảng viên; tổ chức các khóa học bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức chuyển đổi số đối với hệ thống chính trị, tất cả cán bộ cấp xã, lãnh đạo doanh nghiệp. Các cấp, các ngành trong tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số một cách thiết thực, phù hợp.
Thời gian vừa qua tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Tập đoàn Viettel hỗ trợ xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh với 11 nền tảng công nghệ số; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long hỗ trợ huyện Võ Nhai cơ sở vật chất thực hiện chuyển đổi số.
Tỉnh và doanh nghiệp chung tay đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống công nghệ, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, vì đây là hai đối tượng trung tâm, vừa là đối tượng phục vụ, vừa là đối tượng thực hiện chuyển đổi số nên đã tạo ra khí thế mới, làm thay đổi cách thức vận hành của xã hội.
Cùng với ứng dụng C-ThaiNguyen, việc phát triển nền tảng xã hội số với tên gọi "Thai Nguyen ID" đã hỗ trợ tích cực vào việc định danh chính xác từng người dân Thái Nguyên trên không gian số, đơn giản hóa và thuận tiện trong việc thực hiện các dịch vụ công một cửa, là “cánh tay nối dài” giúp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính của tỉnh.
Năm 2021, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố kết quả chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc nhóm 7 địa phương xếp dẫn đầu cả nước.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và đẩy mạnh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, vừa chủ thể, vừa là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số.