Đổi mới công nghệ là bước đi vững chắc cho ngành cá tra

NDO - Khoa học công nghệ đã góp một phần không nhỏ, giúp duy trì ổn định việc nuôi trồng, chế biến cá tra, cung cấp nguồn thực phẩm có chất lượng cho thế giới và trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch cá tra ở thành phố Hồng Ngự.
Thu hoạch cá tra ở thành phố Hồng Ngự.

Ngày 17/12, tại Đồng Tháp đã diễn ra Hội nghị “Ứng dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy liên kết chuỗi cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo các chuyên gia, cá tra là đối tượng nuôi chủ lực tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, như: Đồng Tháp, An Giang, thành phố Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long... Diện tích nuôi hằng năm khoảng 5.500-6.000 ha, với sản lượng thu hoạch khoảng 1,3 triệu tấn/năm.

Cá tra được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng và xem là một trong những loài cá thành công nhất về mặt thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, trong sản xuất cá tra còn những bất cập.

Về kỹ thuật nuôi cá tra dù đã phát triển nhanh trong thời gian qua nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm “bất cập”, chẳng hạn như: chất lượng con giống đang xu hướng giảm, công tác quản lý chất lượng đàn cá bố/mẹ chưa tốt dẫn đến hiệu quả sinh sản và chất lượng cá sinh sản thấp.

Đồng thời, tỷ lệ sống của cá giai đoạn ương thấp và chưa cải tiến được nhiều (chỉ đạt 6-10% từ bột lên giống), quản lý môi trường ao nuôi chưa tối ưu và công tác phòng, trị bệnh hiệu quả chưa cao…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực cá tra đã phát huy mạnh mẽ và có sự tham gia của các doanh nghiệp, tạo động lực và kết nối mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra.

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm cá tra, mỗi doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị công nghệ từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, đồng bộ hóa và tự động hoá dây chuyền chế biến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm”, ông Nguyễn Phước Thiện khẳng định.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc đổi mới công nghệ là bước đi vững chắc cho ngành cá tra.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, sự phát triển của ngành cá tra Việt Nam hiện nay có nhiều yếu tố tác động thuận lợi, điều này tạo nên một năng lực cạnh tranh mạnh của sản phẩm cá tra trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế.

Do đó, tăng cường đổi mới công nghệ cũng là một bước đi cần thiết để củng cố sự vững chắc của ngành cá tra Việt Nam, tạo lập được một lợi thế bền vững trong cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm cá tra, mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới, cải tiến phương thức sản xuất, chế biến đã và đang làm tăng dần hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm cá tra, góp phần thúc đẩy ngành hàng cá tra Việt Nam phát triển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị mỗi doanh nghiệp tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị công nghệ từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, đồng bộ hóa và tự động hóa dây chuyền chế biến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.