Phát triển bền vững ngành hàng cá tra

Sau nhiều năm duy trì mức giá cao, trong đó có thời điểm cá tra nguyên liệu “sốt” giá, lên đến 35.000 - 37.000 đồng/kg và người nuôi thắng đậm, thì bước sang năm 2019, giá bỗng xoay chiều.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long suốt nửa đầu năm 2019, giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm mạnh, hiện ở mức 18.000 - 19.000 đồng/kg, thấp hơn 14.000 - 18.000 đồng so với năm 2018 và là mức giá thấp nhất trong khoảng 10 năm qua. Điều đáng nói, giá cá nguyên liệu hiện đã thấp hơn chi phí sản xuất nhưng người nuôi vẫn rất khó bán.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này được cho là do hiệu quả kinh tế khá cao cho nên người dân và doanh nghiệp ồ ạt đào ao thả cá, xây dựng vùng nuôi. Trong khi đó, một số nước như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc đã bắt đầu nuôi cá tra. Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn trong khi diện tích nuôi tăng mạnh, khiến dư thừa sản lượng.

Thực ra câu chuyện “được mùa, rớt giá” chẳng mới mẻ đối với nền nông nghiệp nước ta, như trước đó, trong lĩnh vực trồng trọt, chuyện dưa hấu, xoài, vải thiều… ế ẩm đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Ngay trong lĩnh vực thủy sản, tôm, cá ngừ và nay đến lượt cá tra rớt giá là điều đã được tiên liệu. Sau hơn nửa năm rớt giá, đến nay các cơ quan quản lý, doanh nghiệp mới vội vàng tìm giải pháp để cứu cá tra, nào là thúc đẩy các địa phương nhanh chóng thống kê diện tích nuôi, sản lượng cá để có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ; rồi hối thúc các bộ, ngành chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp… đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cá tra.

“Chậm còn hơn không”, những giải pháp này là không thừa. Nhưng ngoài những biện pháp mang tính “chữa cháy” này, để phát triển bền vững, đã đến lúc ngành cá tra phải xây dựng được một chiến lược phát triển lâu dài, ngõ hầu giải quyết từ gốc những bất cập trong giai đoạn mới.

Nhiều chuyên gia khẳng định, cần nhiều giải pháp đồng bộ như quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung - cầu… Đặc biệt, chúng ta phải “nâng chất” cho cá tra trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Bước đầu, một số doanh nghiệp đã quản lý chất lượng rất tốt và có sản lượng xuất khẩu tăng đều đặn. Việc một số quốc gia đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và hoạt động thương mại tiểu ngạch dù có thể gây khó khăn cho những doanh nghiệp vốn chỉ làm tiểu ngạch nhưng sẽ là đòn bẩy cho những doanh nghiệp làm ăn bài bản, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp họ gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.

Ngoài thị trường truyền thống, một cơ hội mới đang đến với ngành xuất khẩu cá tra nước ta khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực, theo đó phần lớn các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra, basa sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu. Đây là cơ hội rất lớn cho xuất khẩu cá tra Việt Nam, vấn đề là các doanh nghiệp có kịp thời và nhạy bén nắm bắt được hay không.

Xét đến cùng, cái khó của cá tra lúc này cũng là cái khó của tôm, cá ngừ, của xoài, chôm chôm… hay nói cách khác là cái khó chung của cả nền nông nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập sâu hơn, rộng hơn, đi kèm những đòi hỏi cao hơn của thị trường quốc tế. Nếu các nhà hoạch định và cộng đồng doanh nghiệp sớm xây dựng được một chiến lược dài hơi để tự thay đổi, hoàn thiện mình, biết biến thách thức thành cơ hội thì không chỉ ngành sản xuất, tiêu thụ cá tra mà cả nền nông nghiệp với nhiều mũi nhọn xuất khẩu như lúa gạo, lâm sản, trái cây, thủy hải sản Việt Nam cũng sẽ vươn xa, góp phần hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD mà ngành đã đặt ra cho năm 2019.