Ngành cá tra tận dụng triệt để cơ hội nhu cầu thị trường

NDO - Năm 2022, ngành hàng cá tra đã tận dụng triệt để cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội so với sản lượng. Đồng thời, sự gia tăng sản lượng trong năm đã góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng.
0:00 / 0:00
0:00
Một trong những quy trình sản xuất khép kín tại Công ty TNHH Hùng Cá, tọa lạc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Một trong những quy trình sản xuất khép kín tại Công ty TNHH Hùng Cá, tọa lạc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Chiều 16/12, tại thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết ngành cá tra năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do sự bùng nổ của đại dịch Covid-19.

Từ quý II/2022 đến nay, thủy sản là ngành hàng có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm. Ước cả năm 2022, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500ha (bằng 104% so cùng kỳ năm 2021); sản lượng cá tra đạt khoảng 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so cùng kỳ.

Giá thu mua cá tra nguyên liệu trung bình 11 tháng đầu năm 2022 ở mức 29.500-30.000 đồng/kg loại I, cao hơn mức trung bình 11 tháng đầu năm 2021 là 7.500-8.500 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trung bình xuất khẩu cá tra phile tăng từ 28-66% so cùng kỳ năm 2021, kéo theo giá cá tra nguyên liệu cũng tăng. Doanh nghiệp, cơ sở nuôi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều có lãi.

Tính đến 15/11/2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,23 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc chiếm 30%, Hoa Kỳ chiếm 23%.

Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngành cá tra tận dụng triệt để cơ hội nhu cầu thị trường ảnh 1

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, diện tích cá tra thả nuôi phát sinh trong năm dự kiến đạt 5.600 ha, sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,3 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để bảo đảm ổn định sản xuất. Vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi, sản xuất giống cá tra ứng dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá tra nhằm nâng cao tỷ lệ sống, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên nước và điều kiện tự nhiên.

Từng bước thay đổi phương thức và cách tiếp cận kinh doanh, phù hợp thói quen tiêu dùng mới trong thời đại công nghệ 4.0; đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho tiêu dùng, trọng lượng phù hợp với bữa ăn gia đình và theo từng phân khúc thị trường.