Đọc sách: “Sống giữa bầy voi”

Đọc sách: “Sống giữa bầy voi”

NDO - Nhà văn Vũ Hùng-tác giả quan trọng và ấn tượng của nền văn học thiếu nhi Việt Nam vừa đi xa ở tuổi 92. Tưởng nhớ ông, đọc lại một trong những tác phẩm ra đời sớm, từng đoạt nhiều giải thưởng của Vũ Hùng là “Sống giữa bầy voi” để một lần nữa được đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và minh triết.

“Sống giữa bầy voi” có lẽ cũng không phải chỉ dành riêng cho trẻ mà còn có thể là một lựa chọn thú vị của người trưởng thành trong những khoảng nghỉ hiếm hoi. Vì cuốn sách (bản in NXB Kim Đồng) chỉ chưa đầy 200 trang, gọn gàng nhưng đầy sức ám ảnh.

Vũ Hùng mang theo vào trang viết những trải nghiệm của một Đài trưởng Vô tuyến điện của Trung đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, khả năng quan sát như một nhà sinh vật học cùng lối kể nhẹ nhàng mang phong thái một người Hà Nội.

Cặp mắt của một nhà sinh vật học

Nếu tỉ mẩn thống kê, có thể tìm thấy trong “Sống giữa bầy voi” một bản thông tin kỳ thú về tập tính của loài voi từ lúc sinh ra cho đến lúc nằm lại mãi mãi trong rừng già hoặc một buôn làng. Những chuyến đi dài tìm kiếm thức ăn không ngừng, nhưng lại luôn trở về trong một con đường quen thuộc, luật lệ của bầy đàn, cuộc chống cự dữ dội với con người và cả những giây phút tận tuỵ, hy sinh vì con người…

Cuốn sách cũng gìn giữ một kho kinh nghiệm và lấp lánh nét khảo tả văn hóa bản địa về nghề nài xạng (quản tượng). Chi tiết tới từng cuộn thừng da trâu truyền đời để săn voi, tới những giây phút nghẹt thở chinh phục và học cách sống với loài voi của các nài xạng ở nước bạn Lào. Đấy là những con người mà tác giả “khâm phục họ vì tài năng và yêu mến họ vì lòng nhân hậu.

Đọc sách: “Sống giữa bầy voi” ảnh 1

Vũ Hùng, ngay cả khi viết về cái chết của loài vật, đau đớn như con voi đực hoặc âm thầm như con voi cái khi về già, thì cũng đều chứa đựng sự thấu hiểu và trân trọng thế giới tự nhiên. Hình ảnh con voi cái đầu đàn sau một thời gian tròn trách nhiệm với bầy, những thớt răng đã rụng hết và cái vòi đã cứng không đưa nổi thức ăn vào miệng…, được những con voi trưởng thành dìu xuống bờ sông để con voi già hít nước cầm hơi - là một trong những hình ảnh sâu lắng nhất của rừng già.

Những ngày sau, nó gục xuống bên mép nước, chết vì đói. Và người đi rừng có thể tìm thấy những nấm mồ voi đực, nhưng không khi nào tìm lại được nấm mồ của lũ voi đầu đàn. Bởi lẽ, luôn chọn cách ra đi bên một dòng sông vắng nên đến mùa mưa, nước dâng lên cuốn hết mọi dấu vết và đưa con voi đầu đàn vào dòng Mekong bao la.

Nhưng “Sống giữa bầy voi” không chỉ nói về loài voi, nhiều trang viết thật đẹp, sống động về một hệ sinh thái các loài vật của rừng già huyền bí.

Hoàng hôn dần xuống, những buổi hoàng hôn ngắn ngủi và xao xuyến trong rừng. Tiếng ve kêu vừa dứt thì tiếng ếch nhái đã vang lên từ các đầm lầy và các vũng nước. Dế núp dưới các tảng đá và các bụi cỏ hiếm hoi, hát ri ri. Đàn vượn về hang hú những hồi buồn bã và bao trùm lên mọi thứ tiếng đó là tiếng con hoẵng gào mênh mang trên nương xa”.

Chim chóp bóp đã cất tiếng kêu. Chúng là những chiếc đồng hồ ở rừng. Con chim trống gọi trầm trầm và từ nơi xa thẳm chim mái thoang thoảng trả lời. Chúng gọi nhau hoài suốt đêm và chỉ đến được với nhau khi ngôi sao mai bắt đầu mờ nhạt”.

Bài học của rừng

Học từ thiên nhiên có lẽ là bài học quý giá nhất đối với con người suốt một chặng dài tiến hóa. Bài học ấy học càng sớm, càng sâu sắc thì sự sống càng có cơ hội được tròn đầy.

Bài học ấy cũng thật giản dị mà tha thiết trong mỗi câu chuyện của Vũ Hùng.

Người ta có thói quen coi luật rừng là luật của sức mạnh…

Hoàn toàn không đúng như vậy.

Luật rừng trước hết là sự khôn ngoan để duy trì sự tự tồn tại của chính mình và của dòng giống. Mọi loài thú kể cả loài có sức mạnh nhất, bao giờ cũng muốn nhìn thấy kẻ khác nhưng lại không muốn kẻ khác nhìn thấy mình. Vì thế không khi nào chúng gây gổ một cách vô ích, để lộ sự có mặt của chúng… và chỉ nhận sự đối đầu trong những trường hợp bắt buộc.

Luật rừng thứ hai là sự cố gắng sửa đổi các tập tính, hình thành những thói quen mới để thích nghi với hoàn cảnh sống…”.

Đọc sách: “Sống giữa bầy voi” ảnh 2

Quả vậy, dưới ngòi bút và những trải nghiệm sống với loài vật, với rừng, nhà văn Vũ Hùng chỉ ra một bầy voi không đánh nhau với một bầy voi, cuộc tranh giành giữa hai cá thể nếu có cũng không phải để tiêu diệt đối thủ. Nhưng để bảo tồn nòi giống, loài vật sẵn sàng điều chỉnh những tập tính. Trước đây, khi ngủ, voi cái, voi con luôn nằm ở vòng trong cùng để được bảo vệ nhưng khi voi đực bị săn bắt dữ dội thì voi đực được chuyển vào giữa vòng tròn và voi cái sẵn sàng nghênh chiến để bảo vệ chúng.

“Sống giữa bầy voi” còn lay động với những câu chuyện về tình người, lòng tin tưởng lẫn nhau với sự trong sáng vô tư giữa những ngày gian khó. Một minh chứng cho mối quan hệ Việt-Lào “cùng chung dòng sông MeKong đắp xây mối tình”.

Vũ Hùng kể: “Vào những năm ấy, việc tiếp tế từ Việt Nam sang rất khó khăn, ở đâu bộ đội Tình nguyện cũng phải sống nhờ vào lòng hào hiệp của người dân lào, dù họ cũng rất nghèo. Các đơn vị tình nguyện làm giấy biên nhận, hẹn chắc chắn có một ngày mọi món nợ đó sẽ được thanh toán đầy đủ…”. Thế là khi hoà bình lập lại trên đất Lào “các đội thanh toán được thành lập để thực hiện những lời đã hứa. Chiếu đường theo bản đồ, đội voi tải của chúng tôi đi khắp các làng bản xa gần… Đội voi tải đi đến đâu đều đem lại niềm vui tưng bừng đến đó”. Đội voi tải đó đã đi gần một năm ngang dọc khắp đất Lào để thực hiện lời hứa với những người cưu mang mình.

Đọc sách: “Sống giữa bầy voi” ảnh 3

Những đền đáp chân tình cũng hiện diện ở câu chuyện khác: Một đơn vị tình nguyện hành quân qua làng đã gửi lại gia đình một ông già một người lính bị ốm. Người làng góp gạo và thức ăn cùng ông già nuôi dưỡng anh. Tham gia bộ đội tình nguyện lâu năm, biết tiếng Lào, nên ngay trong lúc dưỡng bệnh, anh mở lớp dạy chữ cho dân, lớp rất đông cả trẻ em, người già…

Qua trang sách của Vũ Hùng, chúng ta cũng biết thêm, nhân dân Lào đã chăm sóc phần mộ cho nhiều bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào. Họ tô lại những dòng chữ trên bia mộ bị mưa nắng làm phai nhạt, dựng lại hàng rào đã bị thú rừng đạp đổ…

Khép lại tác phẩm “Sống giữa bầy voi” man mác một nỗi mến thương đối với cuộc đời, với sự sống muôn loài. Một khoảng thời gian cuối tuần dành cho 200 trang sách, chúng ta nhận lại được từ tác giả Vũ Hùng một trải nghiệm quý giá về những chiều kích ứng xử giữa con người với thiên nhiên, đồng loại.

back to top