Đọc sách “Nam Biều Ký”

Đọc sách “Nam Biều Ký”

NDO - “Nam Biều Ký” là tác phẩm thú vị cho thấy một góc nhìn về An Nam qua du ký của thủy thủ Nhật Bản cuối thế kỷ XVIII. Tác giả Shihoken Seishi (đến nay vẫn là nhân vật bí ẩn) được cho là đã viết lại câu chuyện này theo lời kể và tư liệu do các thuyền nhân này cung cấp. “Nam Biều Ký” bản tiếng Việt do Nguyễn Mạnh Sơn khảo cứu và biên dịch, Giáo sư Nguyễn Thế Anh giới thiệu.

“Nam Biều Ký” là tên gọi sử dụng cách chơi chữ, với từ “biều” (quả bầu) thay cho từ đồng âm “phiêu” (trôi nổi). “Nam Biều Ký” - ký sự về vụ đắm thuyền ở phía nam, nhưng cũng là hình tượng gắn với tích truyện về “vị đạo sĩ giắt trái bầu phiêu lưu ở vùng biển phía nam”.

Điều đáng chú ý là, bên cạnh các tác phẩm phong phú về du ký, khảo cứu đời sống An Nam dưới con mắt của người Pháp, các nhà truyền giáo châu Âu… được chuyển ngữ gần đây, thì "Nam Biều Ký" (nhà xuất bản Dân Trí và Nhã Nam ấn hành) là một “bản đối chiếu độc nhất” về An Nam thời kỳ này qua con mắt người Nhật.

“Nam Biều Ký” là tên gọi sử dụng cách chơi chữ, với từ “biều” (quả bầu) thay cho từ đồng âm “phiêu” (trôi nổi). “Nam Biều Ký” - ký sự về vụ đắm thuyền ở phía nam, nhưng cũng là hình tượng gắn với tích truyện về “vị đạo sĩ giắt trái bầu phiêu lưu ở vùng biển phía nam”.

Cuối tháng 9/1974 (âm lịch), chiếc thuyền Daijoumaru do Seizo làm thuyền trưởng và 15 thuyền viên chở gạo từ Ishinomaki (Miyagi hiện nay) đến Edo (Tokyo hiện nay) thì gặp bão, lênh đênh trên biển.

Ngày 21/11 cùng năm (âm lịch), thuyền trôi dạt đến Gia Định (An Nam). Được người dân An Nam chăm sóc, được Quốc vương An Nam tiếp, đối đãi chu đáo, giúp trở về nước.

Đọc sách “Nam Biều Ký” ảnh 1

Do trôi dạt trên biển nhiều ngày, 6 thủy thủ trong đó có thuyền trưởng Seizo bị phù thũng nặng, chữa trị không khỏi, đã nằm lại mãi mãi ở An Nam. Họ được mai táng chu đáo tại chùa Vĩnh Trường, thuộc phái Lâm Tế ở Gia Định.

Tháng 4/1975 (âm lịch), các thủy thủ còn lại lên một tàu Macao về Nhật Bản, trên đường có dừng lại ở một số nơi ở Trung Quốc. Thêm một thủy thủ mất trên đường đi do bệnh phù thũng.

Tháng 11 cùng năm đó, 9 thủy thủ về tới Nagasaki, Nhật Bản. Họ đã kể và vẽ lại những trải nghiệm này của mình theo đề nghị của Kondo Morishige - một vị quan quản lý việc giao thương giữa Nagasaki với Trung Quốc và Hà Lan. Báo cáo này của Kondo đã được ông đưa vào cuốn “An Nam kỷ lược cảo - Bản lược ghi về An Nam”.


Những câu chuyện độc đáo về “Nam Biều Ký”

“Nam Biều Ký” hội tụ nhiều điểm khá kỳ thú, đặc biệt.

Trước tiên, tác phẩm ra đời trong thời kỳ “hải cấm”, hay còn gọi là “tỏa quốc” của Nhật Bản từ 1635 tới 1853. Thời kỳ này, thế lực Mạc phủ Tokugawa cấm ngặt việc giao thương với nước ngoài trừ Hà Lan, Trung Quốc, Triều Tiên. Thậm chí, có thời điểm ngay cả các “Châu ấn thuyền” - thuyền đóng dấu son được phép giao thương với một số nước, cũng bị cấm.

Đọc sách “Nam Biều Ký” ảnh 2

Do đó, trong “Nam Biều Ký”, tên các địa danh, tên người cơ bản bị thay đổi để che mắt cơ quan kiểm duyệt sách báo. Tuy nhiên, sự che đậy vụng về này cuối cùng vẫn bị phát hiện, cuốn sách nói về nước ngoài này đã bị cấm bán và tái bản, bản khắc gỗ bị hủy.

Tác giả cuốn sách đến nay vẫn là một bí ẩn. Các nhà nghiên cứu dự đoán Shihoken Seishi là bút danh của một nhà sưu tầm sách và học giả nổi tiếng ở Osaka-Kimura Kenkado. Nhưng, lại có những lập luận khác bác bỏ điều này căn cứ vào lối viết cũng như nơi xuất bản tác phẩm.

“Nam Biều Ký” cũng là tác phẩm dựa trên lời kể, ghi chép của các thủy thủ, nên văn phong không thuộc diện nghiên cứu hay mang tri thức bác học. Thậm chí, các nhà nghiên cứu chỉ ra, ngôn ngữ tác phẩm dân dã, đan xen triết luận ngắn đậm chất Phật giáo bình dân, nhiều khi mơ hồ, thiếu chính xác, đôi khi tỏ ra bất lực, phải dùng đến hình vẽ để diễn đạt.

Tuy nhiên, hạn chế này lại cũng hàm chứa những thế mạnh nhất định. “Sự giản dị tạo sự tươi mới và tính thành thật không thể tìm đâu khác cho câu chuyện của họ. Họ giữ đúng được thông tin bình dân về cuộc sống hằng ngày trước đây, điều vốn bị những người có học thức xem nhẹ, vì vậy có sự duyên dáng riêng và dưới góc nhìn này thì câu chuyện của họ là một tài liệu khá tốt về dân tộc học”, dịch giả Muramatshu Gaspardone, người chuyển ngữ “Nam Biều Ký” sang tiếng Pháp.

Sự giản dị tạo sự tươi mới và tính thành thật không thể tìm đâu khác cho câu chuyện của họ. Họ giữ đúng được thông tin bình dân về cuộc sống hằng ngày trước đây, điều vốn bị những người có học thức xem nhẹ, vì vậy có sự duyên dáng riêng và dưới góc nhìn này thì câu chuyện của họ là một tài liệu khá tốt về dân tộc họ.


Dịch giả Muramatshu Gaspardone

Thực vậy, những câu chuyện về xứ An Nam của các thủy thủ Nhật là tư liệu quý khó lòng tìm thấy trong các văn bản ngoại giao.

Ngoài ra, nhìn “Nam Biều Ký” ở góc độ thể loại thì đây lại là một nét thú vị nữa của văn học Nhật Bản. Theo GS Matsumoto Nobuhiro (Nhật Bản): “Trong 300 năm dòng họ Tokugawa bế quan tỏa quốc, đã xuất hiện dòng văn học đặc biệt gọi là “phiêu lưu ký” do những chủ thuyền ký thuật lại sau khi thuyền của họ bị phiêu dạt đến nước khác vì bão, nó mang đến cho giới trí thức Nhật Bản những thông tin về ngoại quốc dù không được toàn vẹn.

Đọc sách “Nam Biều Ký” ảnh 3

Khoảng thời Minh Trị trở về sau, ông Ishi Kendo đã lên kế hoạch xuất bản một tuyển tập những tác phẩm thuộc mảng văn học này, và các ghi chép liên quan đến những vùng ở phương bắc đã trở thành chủ đề nghiên cứu được học giới Nhật Bản rất coi trọng”.


Một đời sống An Nam sinh động

Con người, sinh hoạt, phong tục, thổ nhưỡng… của An Nam cuối thế kỷ XVIII thực sự là những tư liệu tham khảo quý trong “Nam Biều Ký”.

Đời sống sinh động này qua mô tả trực tiếp của các thủy thủ Nhật Bản không chỉ có ý nghĩa với các nhà nghiên cứu, mà còn hấp dẫn với bạn đọc nói chung, khi nó giúp chúng ta kết nối với tiền nhân, với đặc sắc nước non một thuở.

Những phác họa giản dị mà cụ thể về người dân An Nam: “Họ rất khác với người dân nước mình, họ có tóc cột búi lên được giữ bằng một cây lược nhỏ, râu ria dài”, “Những người làm nghề y ở đây không bắt mạch. Họ khám bằng cách vỗ nhè nhẹ trên bụng, trên lưng và gan bàn chân. Họ ghi ra cho chúng tôi những chẩn đoán của họ. Để trộn thuốc, họ không dùng muỗng lẫn hộp thuốc, mà dùng ngón tay để trực tiếp bốc thuốc trong những túi giấy”.

Đọc sách “Nam Biều Ký” ảnh 4

Rồi vật dụng hằng ngày “Những cây dù che mưa được làm từ giấy màu xanh phủ dầu cọ và khung bằng tre mỏng”, những chiếc quạt cầu kỳ với “khung làm từ mai rùa, nhánh quạt làm bằng gỗ có hương thơm…”, được tặng cho các thuyền nhân Nhật Bản khi họ về nước.

Phong tục một thời: “Trong số đàn ông, nhiều người có gót chân đen, mãi sau này chúng tôi mới hiểu tại sao. Ở đất nước này, dù rất giàu về vàng bạc và ngũ cốc nhưng lại hoàn toàn không thấy bóng dáng các loại đá để mài mực trong nghiên, đối với người giàu và thậm chí là quan lại, họ dùng đáy chiếc bát sành hoặc những tách trà bằng sứ nhỏ đề mài; còn đối với người bình dân, khi phải viết chữ thì họ dùng chính gót chân của mình để mài mực”

Đọc sách “Nam Biều Ký” ảnh 5

Về phong thổ: “Những ngọn núi cao vươn qua những tầng mây. Vô vàn cây xanh và một dòng sông lớn với nước trong vắt. Biển bao quanh 3 phía đất liền. Những thuyền buôn từ Hà Lan, từ Quảng Đông, từ Macao và từ những nơi khác nữa, hạ neo ở cửa biển… Ở bờ biển có những làng chài, và ở núi thì có thợ săn: chợ bán đầy những loại cá và thú săn được… Đồng ruộng cho hoa quả quanh năm”.

Nhưng miêu tả đời sống giản dị nhiều khi có sức vang vọng, kết nối thật mạnh mẽ, mà mỗi người Việt Nam ta đọc thấy đều nhận ra nỗi thân thương: “Trong 3 bữa ăn, họ thường có 1 bữa ăn dưa chua, và 2 bữa là ăn cá, gia cầm hay thịt heo. Họ đối xử với chúng tôi rất tử tế”.

Có thể bắt gặp trong nhiều trang sách những câu chuyện cảm động và những lời cảm kích của các thuyền nhân dành cho người dân An Nam.

Có thể bắt gặp trong nhiều trang sách những câu chuyện cảm động và những lời cảm kích của các thuyền nhân dành cho người dân An Nam. Trong lễ tang các thủy thủ Nhật Bản tại chùa Vĩnh Trường: “Khi đoàn người đi đến đâu thì đàn ông, phụ nữ, người già, người trẻ đầu ra khỏi nhà đứng hai bên đường cúi chào quan tài, rơi lệ tỏ lòng thương tiếc. Họ cầm những nén nhang, bánh trái.. rồi đưa cho chúng tôi. Lòng tốt ấy thật không diễn tả hết bằng lời”.

Hay “Trong suốt thời gian ở đây, cho đến ngày lên vương thành, có một ông lão hàng xóm chừng 80 tuổi mỗi ngày đều chống gậy qua thăm chúng tôi. Rất nhiều lần ông khuyên chúng tôi là khi đến được vương thành thì hãy xin ân huệ để được trở về nước. Ngày chúng tôi rời đi, ông ấy chống gậy đến đưa tiễn… rồi khóc từ biệt trở về. Tấm chân tình của ông lão làm chúng tôi xúc động, nên chúng tôi thường nhớ và kể về ông ấy”.

Đọc sách “Nam Biều Ký” ảnh 6

Nam Biều Ký còn có những ghi chép hết sức quý giá khác về xã hội học, văn hóa qua trải nghiệm đi chợ, xem biểu diễn rạp hát, thưởng thức ẩm thực… với người dân An Nam.

Cũng nhiều điều khác biệt khiến họ ngạc nhiên, thậm chí sợ hãi, nhưng lại phản chiếu cái hiển nhiên thú vị về sự đa dạng văn hóa giữa các dân tộc. Nhiều mô tả, nhận định còn cần đối chiếu song vẫn đáng ghi nhận.

“Nam Biều Ký” lưu cả những tư liệu mới và thú vị về lịch sử giai đoạn Tây Sơn khi mô tả khá kỹ về đoàn chiến thuyền của triều đình ra khơi, hay về vua Gia Long, về thành Gia Định…

Đọc sách “Nam Biều Ký” ảnh 7

Cuối cùng, đọng lại trong người viết là những câu chuyện hấp dẫn, tư liệu quý giá về giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Nhật Bản. Một kết nối hữu duyên, góp thêm vào câu chuyện hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam suốt chặng dài lịch sử thăng trầm, dài hơn chặng chính thức 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam, sẽ được kỷ niệm vào năm 2023 tới.

back to top