Một bài dự thi được trình bày công phu. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)
Một bài dự thi được trình bày công phu. (Ảnh: THẾ DƯƠNG)

Thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước:

Ban giám khảo bất ngờ với những bài dự thi công phu, hiện đại và hấp dẫn

NDO -

Cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước do Ban Thanh niên quân đội, Tổng Cục chính trị tổ chức chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1,5 tháng, nhưng số lượng và chất lượng bài dự thi đã khiến cho Ban Tổ chức, Ban Giám khảo ngạc nhiên vì độ dày dặn, công phu và sự ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, AI trong hầu hết bài thi.

Cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước khởi động từ ngày 17/2, với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các đơn vị trong quân đội, nhiều trường học các cấp, với đông đảo đối tượng dự thi từ các cán bộ, chiến sĩ cho đến các giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên…

Ban tổ chức cuộc thi cho biết, tính đến nay, đã có khoảng một triệu bài dự thi gửi đến, với những cách thể hiện vô cùng phong phú, hấp dẫn, nhiều bài công phu đến choáng ngợp.

Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam, Phó Trưởng Ban giám khảo cuộc thi cho biết, dù mới chỉ phát động trong thời gian ngắn (1,5 tháng), nhưng những bài gửi dự thi đều được đầu tư rất công phu. Điều đó cho thấy các đơn vị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó cho đợt kỷ niệm trọng thể này.

Ban giám khảo bất ngờ với những bài dự thi công phu, hiện đại và hấp dẫn ảnh 1

Đại tá Trần Hữu Dũng, Phó trưởng ban Thanh niên Quân đội chia sẻ với các đơn vị dự thi về bài thi.

Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài nhận xét, một triệu bài dự thi này kết tinh rất nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết của các cá nhân và đơn vị dự thi. Có những bài dự thi rất hoành tráng, quy mô rất lớn, đầu tư chiều sâu cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật, có tính trí tuệ rất cao.

Có 10 câu hỏi trong bộ câu hỏi dự thi, nhưng các tác giả, các đơn vị dự thi không tuân thủ một cách máy móc mà có sự sáng tạo, đưa bài dự thi trở thành một câu chuyện để dẫn chuyện. Có những bài dự thi không bó hẹp trong một sự kiện mà đã được dẫn rất nhiều sự kiện để làm nổi bật.

Ban giám khảo bất ngờ với những bài dự thi công phu, hiện đại và hấp dẫn ảnh 2

Một bài thi tích hợp công nghệ số.

Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài cũng nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin và AI là một trong những điểm nổi bật của các bài dự thi lần này.

Hầu hết các bài dự thi công phu đều có tích hợp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từ tích hợp hình ảnh, quét mã QR để mở rộng thông tin, cho đến tích hợp phim tài liệu ngắn, sách điện tử, ứng dụng AI để trả lời hàng chục nghìn câu hỏi…

Một trong những điểm nổi bật khác mà Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài đề cập đến về cuộc thi, là sự góp mặt của giới trẻ, từ các học sinh tiểu học cho đến sinh viên, học viên các trường đại học, học viện…

“Có những cháu nhỏ lớp 4, lớp 5 đã vẽ về sự kiện ngày 30/4 theo hình dung của mình. Nhiều bạn trẻ đầu tư công sức, thời gian làm các bài dự thi rất đẹp, rất chỉn chu, như những tác phẩm nghệ thuật, bắt mắt về mặt tạo hình và công phu về nội dung", Đại tá Lê Thanh Bài nhận xét.

Ban giám khảo bất ngờ với những bài dự thi công phu, hiện đại và hấp dẫn ảnh 3

Nhiều tác phẩm dự thi được trình bày công phu, bắt mắt. (Ảnh: TUYẾT LOAN)

Cuộc thi cũng là cơ hội cho những người trẻ không chỉ tìm hiểu về lịch sử dân tộc, mà còn thể hiện, diễn giải lại những hiểu biết đó theo những cách thức độc đáo của riêng mình.

Đại úy Trương Quốc Việt, học viên sau đại học, Học viện Chính trị chia sẻ: “Cuộc thi là cơ hội tuyên truyền về ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về khát vọng phát triển đất nước trong thời đại số. Mô hình chúng tôi mang tới là một sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ, để người xem hiểu rõ quá khứ hào hùng của dân tộc, từ đó, cùng nhìn về tương lai vươn mình, chung tay xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”.

Bài dự thi của nhóm học viên Học viện Chính trị được thiết kế theo mô hình công phu với 3 khối đồ sộ.

Ban giám khảo bất ngờ với những bài dự thi công phu, hiện đại và hấp dẫn ảnh 4

Bài dự thi của nhóm học viên Học viện Chính trị. (Ảnh: TUYẾT LOAN)

Đại úy Trương Quốc Việt diễn giải về bài thi của đơn vị mình: Khối 1 là toàn bộ quá trình lịch sử liên quan đến sự kiện trọng đại ngày 30/4/1975 được trình bày thông qua các bài thơ sưu tầm. Đây là phần thể hiện sự trang trọng, mang tính thẩm mỹ cao, giúp người xem cảm nhận được giá trị lịch sử thông qua nghệ thuật thư pháp.

Khối 2 tái hiện sự kiện xe tăng húc đổ Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 và trưng bày 3 bài dự thi, được hỗ trợ bằng công nghệ mã QR giúp người xem truy cập trực tiếp vào các bài viết, cũng như các bộ phim tư liệu được nhóm tác giả sưu tầm về sự kiện trọng đại này.

Khối 3 thể hiện điểm nhấn của công trình với thiết kế lấy cảm hứng từ hình lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, đánh dấu sự chuyển mình giữa hai kỷ nguyên: kỷ nguyên thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do, và kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. Biểu tượng 50 năm được đặt ở trung tâm tượng trưng cho chủ đề cuộc thi.

Ban giám khảo bất ngờ với những bài dự thi công phu, hiện đại và hấp dẫn ảnh 5

Là giáo viên lịch sử, cô Lê Thị Hài, hiện đang công tác tại Trường THPT Nguyễn Siêu (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) mang tới bài dự thi vô cùng tâm huyết. Sản phẩm này là sự phối hợp giữa các chiến sĩ tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Khoái Châu cùng các thầy, cô giáo của Trường THPT Nguyễn Siêu và Trường THPT Trần Quang Khải.

“Xuyên suốt bài thi, chúng tôi gửi vào vào đó lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ ông cha ta đã ngã xuống để bảo vệ quê hương. Không chỉ trả lời 10 câu hỏi trong đề thi, chúng muốn gửi gắm cả sự khâm phục và thông qua những câu hỏi này để lan tỏa đến thế hệ trẻ lòng biết ơn với dân tộc. Mỗi câu trả lời đều là một sự khắc khoải của thế hệ được may mắn sống trong hòa bình”, cô Lê Thị Hài chia sẻ.

Theo cô Lê Thị Hài, tham gia cuộc thi này cũng là dịp để cô chia sẻ đến các học sinh về những sự kiện trọng đại trong lịch sử, về những trận đánh vang danh và cả những người lính đã hy sinh nơi chiến trường vì độc lập của Tổ quốc.

“Những lá thư, những dòng nhật ký và kỷ vật mà các anh để lại đã trở thành chứng nhân của lịch sử. Đọc được những dòng tâm sự ấy, các em học sinh được hiểu hơn về lịch sử đất nước và trân trọng hơn cuộc sống hiện tại”, cô Hài nói thêm.

Ban giám khảo bất ngờ với những bài dự thi công phu, hiện đại và hấp dẫn ảnh 6

Học sinh trường Newton đến tham quan Bảo tàng và trưng bày các tác phẩm dự thi.

Dẫn các học sinh lớp 1 đến tham quan không gian Bảo tàng Chiến thắng B-52 và chiêm ngưỡng các tác phẩm dự thi cuộc thi “Tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cô Phương Anh, giáo viên Trường tiểu học Isac Newton cho biết, các cháu rất háo hức trước khi đến bảo tàng. Các bạn nhỏ quây chung quanh các mô hình dự thi, tò mò ngắm nghía chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau.

“Nhà trường luôn mong muốn các con được tìm hiểu một cách quan về lịch sử đất nước. Đến bảo tàng, bạn nào cũng vui và thích thú khi được nhìn những hiện vật, mô hình máy bay, xe tăng mà trước giờ các con chỉ được nhìn thấy qua sách vở, tranh ảnh. Qua dịp này, nhà trường hy vọng các con sẽ phần nào hiểu được và trân trọng hơn cuộc sống yên bình mà mình có hôm nay”, cô giáo cho biết thêm.

Ban giám khảo bất ngờ với những bài dự thi công phu, hiện đại và hấp dẫn ảnh 7

Ban giám khảo gặp nhiều khó khăn khi có nhiều bài thi rất đẹp và chất lượng như vậy.

Một cuộc thi diễn ra trong thời gian rất ngắn, nhưng đem lại nhiều ý nghĩa trước thềm dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài nhận xét, cuộc thi cho thấy một điều là lịch sử được các bạn trẻ ngày nay hiểu theo rất nhiều chiều cạnh, qua văn, thơ, qua các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật… và tất cả đều được chuyển tải qua các bài dự thi.

“Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng công chúng không thích lịch sử, chưa hiểu lịch sử. Nhưng theo tôi quan điểm đó không đúng. Các câu hỏi của bài dự thi đều được trả lời, phân tích chính xác, thậm chí được mở rộng với sự đánh giá của các học giả, các chính trị gia, nhà khoa học lịch sử, thậm chí còn dẫn cả các tác phẩm thơ, phim ảnh… liên quan đến sự kiện. Có những bài thi được thực hiện công phu, chỉn chu đến mức chúng tôi cho rằng sẽ trở thành công cụ giáo dục lịch sử không chỉ trong quân đội mà còn cả trong xã hội”, Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài nhận xét.

Ban giám khảo bất ngờ với những bài dự thi công phu, hiện đại và hấp dẫn ảnh 8

Sau hơn 1 tháng triển khai, toàn quân có 966.528 bài dự thi của cán bộ, chiến sĩ, các tác giả và nhóm tác giả tham gia với đủ thể loại, đa dạng, nhiều độ tuổi khác nhau (cao nhất là 63 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 14 tuổi). Trong đó có 2.018 bài viết tay và một số bài thi bằng video clip, ứng dụng công nghệ AI.

Các bài dự thi hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B52, Hà Nội.

back to top