Trong hành trình âm thầm, bền bỉ của nghệ sĩ Trần Thanh Thục với nghệ thuật tranh cắt vải, có thể nhận thấy mối giao hòa giữa con người với ký ức, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử… Bằng niềm đam mê cháy bỏng, trong mối cơ duyên lạ kỳ với vải, nữ họa sĩ đã khắc họa chuyện đời, niềm tin và khát vọng của mình với cuộc sống. Để rồi qua bao thăng trầm, kho vải đồ sộ dần biến thành những tác phẩm ấn tượng bằng cảm xúc và nỗ lực sáng tạo.

Họa sĩ Trần Thanh Thục sinh năm 1960 tại thành phố Nam Định, theo học hệ trung cấp Trường Đại học Mỹ thuật vào năm 1976 và tốt nghiệp năm 1981. Sau đó, họa sĩ tiếp tục học đại học từ năm 2000 đến năm 2005, không ngừng trau dồi kiến thức và nâng cao tay nghề. Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, nhưng họa sĩ Trần Thanh Thục luôn coi Hà Nội là mảnh đất gắn bó với cuộc đời mình. Hà Nội cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm tranh cắt vải độc đáo của bà.

Đến với tranh vải một cách tình cờ trong một lần nghỉ hè tại quê nhà, Trần Thanh Thục bị cuốn hút bởi những mảnh vải vụn tưởng chừng như bỏ đi. Họa sĩ đã thử ghép chúng thành một bức tranh phong cảnh làng quê và nhận được sự động viên từ cha mình. Chính khoảnh khắc ấy đã mở ra một con đường nghệ thuật đầy sáng tạo và thử thách.

Họa sĩ Trần Thanh Thục.

Họa sĩ Trần Thanh Thục.

Từ một lối đi nhỏ, bà đã kiên trì biến nó thành một con đường nghệ thuật độc đáo. Nữ họa sĩ mang một tình yêu đặc biệt với vải, chất liệu bà đã dùng để khắc họa vẻ đẹp. Bức tranh cắt vải đầu tiên được Trần Thanh Thục thực hiện khi mới 20 tuổi. Tranh vải vốn không phải là tranh vẽ thông thường, mà là những tác phẩm được tạo nên từ những mảnh vải nhỏ bé, qua bàn tay tỉ mẩn, tài hoa được cắt, xếp, và ghép lại thành những bức tranh đầy màu sắc, sống động. Mỗi tác phẩm vừa phác họa hình ảnh đời sống, vừa là nỗi lòng, là tâm trạng và những kỷ niệm sâu lắng mà họa sĩ gửi gắm vào từng đường chỉ, từng lớp vải.

Không phải ngẫu nhiên mà họa sĩ chọn vải làm chất liệu duy nhất để sáng tác. Đối với bà, vải mang đến cho nghệ thuật một chiều sâu cảm xúc đặc biệt. Mỗi mảnh vải không chỉ là một màu sắc, một chất liệu vật lý mà là một kho ký ức, là dấu ấn của những ngày tháng đã qua. Mỗi tác phẩm là một trường suy tư về những điều nhỏ bé nhưng đong đầy tình yêu, về những góc phố Hà Nội, về những chuyến đi dọc dài đất nước, về tuổi thơ, về những buổi chiều lặng lẽ ngồi bên giếng nước ngõ quê. Dù không thể nói thành lời, nhưng vải lại có thể kể hết câu chuyện ấy qua từng lớp chồng vải, từng đường cắt khéo léo.

Từng tác phẩm của Trần Thanh Thục không đơn thuần tái hiện một cảnh vật hay một con người mà còn là những lớp vải được cắt, xếp với nhau một cách tài tình để tạo ra chiều sâu, ánh sáng và hồn của cảnh vật. Dù là bức tranh về phố Hà Nội trầm mặc hay một thung lũng hoa ở Tây Bắc, những lớp vải ấy không chỉ tạo nên hình ảnh mà còn là những xúc cảm, những hoài niệm, những ước mơ và khát vọng được gửi gắm qua từng chi tiết.

Những tác phẩm được tạo nên từ những mảnh vải nhỏ bé, qua bàn tay tỉ mẩn, tài hoa được cắt, xếp, và ghép lại thành những bức tranh đầy màu sắc, sống động.

Nữ họa sĩ luôn thể hiện một tình yêu sâu sắc đối với Hà Nội. Trong từng tác phẩm, Hà Nội hiện lên không chỉ qua những hình ảnh quen thuộc như Hồ Gươm, Tháp Rùa, hay những con phố nhỏ mà còn qua những nhịp điệu sống, ánh nắng nhẹ nhàng buổi sớm hay những cơn mưa mùa hạ. Hà Nội, đối với bà, là mảnh đất đã nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật, là nơi bà trưởng thành và cũng là nơi bà dành nhiều tình cảm nhất. Hà Nội trong tranh của bà vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, vừa bình dị, vừa sang trọng. Đó là một không gian vừa thân thuộc, vừa đầy ấn tượng, là nơi mà mỗi bức tranh đều mang đến những cảm giác khác nhau, từ nhẹ nhàng, yên bình đến sôi động, tràn đầy sức sống.

Hà Nội trong mắt bà còn là một thành phố không ngừng thay đổi, nhưng dù có thay đổi thế nào, những nét đẹp truyền thống, những góc phố cổ, những công trình lịch sử vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận. Mỗi bức tranh của bà đều có sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, giữa ký ức và sự đổi mới. Điểm cốt lõi, đặc biệt trong tranh của họa sĩ là sự kết hợp giữa sắc màu của quá khứ và hiện tại. Những bức tranh của bà không chỉ dừng lại ở việc tái hiện những hình ảnh lịch sử, mà còn phản ánh sự phát triển, sự chuyển mình của cuộc sống trong thời đại mới.

Khác với cách vẽ tranh truyền thống, tranh cắt vải của Trần Thanh Thục không có bảng màu hay cọ vẽ. Mỗi bức tranh là sự kết hợp của những mảnh vải xếp cạnh nhau, tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh, vừa tựa như một bức tranh sơn dầu, vừa có sự sinh động, mềm mại của vải. Đó là lý do tại sao mỗi bức tranh của bà đều là duy nhất. Không có hai bức tranh nào giống nhau, dù chúng có thể kể cùng một câu chuyện, nhưng màu sắc, chất liệu và cách thể hiện đều mang đậm dấu ấn cá nhân của họa sĩ.

Mỗi bức tranh một câu chuyện riêng. Từ những tác phẩm ghi lại lịch sử đau thương của Hà Nội trong thời kỳ chiến tranh, cho đến những hình ảnh của Hà Nội hôm nay, bà đã truyền tải thông điệp về sự kiên cường, sự sống động và niềm hy vọng vào tương lai. Những tác phẩm như “Hà Nội một thời đạn bom, một thời hòa bình” không chỉ phản ánh sự khắc nghiệt của chiến tranh mà còn ca ngợi sự phục hồi và phát triển của Thủ đô trong hòa bình.

Nữ họa sĩ luôn thể hiện một tình yêu sâu sắc đối với Hà Nội.

Nữ họa sĩ luôn thể hiện một tình yêu sâu sắc đối với Hà Nội.

Nói về hành trình sáng tạo, họa sĩ Trần Thanh Thục chia sẻ, từng tác phẩm đều ghi dấu nỗ lực qua nhiều năm tháng. Họa sĩ vừa là người sáng tác nghệ thuật, vừa là người giảng dạy, truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò yêu thích tranh cắt vải. Các học viên của bà ở nhiều lứa tuổi, có người là nghệ sĩ, có người yêu thích nghệ thuật, nhưng tất cả đều tìm thấy ở bà một tấm gương đam mê, kiên trì và tận tụy với nghề.

Họa sĩ thừa nhận, tranh cắt vải là một lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự kiên nhẫn. Mỗi tác phẩm, từ những bức tranh lớn đến những chi tiết nhỏ, đều là kết quả của một quá trình lao động miệt mài. Từ các chi tiết nhỏ. như: chiếc áo dài, chiếc lá bàng, những cánh hoa ban mong manh trước gió đều được bà xử lý tỉ mỉ, mỗi đường cắt đều chứa đựng tình cảm và cảm xúc của người nghệ sĩ.

“Tranh cắt vải không có phác thảo trước, mỗi tác phẩm đều bắt nguồn từ cảm hứng ngẫu hứng. Điều quan trọng nhất là phải tìm được chất liệu vải phù hợp, phải có sự kết hợp giữa màu sắc và hình ảnh để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh”, bà chia sẻ. Để có tác phẩm, họa sĩ phải tìm vải từ các chợ vải, cửa hàng may mặc và khắp mọi nơi rồi kỳ công lựa chọn sao cho mỗi mảnh vải, mỗi màu sắc đều hài hòa với tổng thể bức tranh.

Một trong những thử thách lớn nhất trong tranh cắt vải là ánh sáng. Khác với tranh vẽ, việc tái hiện ánh sáng trong tranh cắt vải đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo khi sử dụng nhiều lớp vải chồng lên nhau để tạo độ sâu và ánh sáng. Trong những bức tranh của bà, ánh sáng luôn là yếu tố đặc biệt, làm nổi bật không gian và cảm xúc của bức tranh.

Tranh cắt vải là một lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự kiên nhẫn.

Để có được thành quả hôm nay, họa sĩ Trần Thanh Thục đã trải qua một hành trình dài đầy gian nan. Những năm tháng đầu tiên khi bước vào con đường nghệ thuật, bà gặp không ít khó khăn. Cả gia đình bà, từ chồng đến con cái đều là những người đồng hành, giúp đỡ bà trong suốt chặng đường ấy.

Người bạn đồng hành gần gũi và đáng trân trọng nhất chính là con gái bà, họa sĩ Thục Anh, người đã cùng mẹ thức khuya, làm việc, chia sẻ những ý tưởng và giúp đỡ trong việc sáng tác. Từ khi con gái lập gia đình, bà lại có thêm người con rể là họa sĩ giàu đam mê, hết lòng vun đắp cho con đường nghệ thuật của mẹ vợ.

Họa sĩ Thục Anh và gia đình.

Họa sĩ Thục Anh và gia đình.

Sau hàng chục năm miệt mài sáng tạo, họa sĩ Trần Thanh Thục đã khẳng định vị trí của mình trong nền mỹ thuật Việt Nam với chất liệu tranh cắt vải. Những tác phẩm của chị mang đậm hồn quê, vừa mềm mại vừa giàu chất biểu cảm, thể hiện sự tinh tế trong cách lựa chọn và xử lý chất liệu.

Họa sĩ Trần Thanh Thục đã tham gia nhiều triển lãm nhóm có sức lan tỏa lớn, như: "Vải và giấy dó" cùng họa sĩ Lê Tuấn Anh, "Sắc màu Bắc-Trung-Nam" với nhóm họa sĩ đến từ ba miền đất nước, "Vải và trúc chỉ" với họa sĩ Ngô Đình Bảo..., hay "Thép và Vải" cùng họa sĩ Lê Thị Hiền. Mỗi cuộc triển lãm đều là dịp để chị giới thiệu những sáng tạo mới và góp phần làm phong phú thêm diện mạo của tranh chất liệu tại Việt Nam.

Sau hàng chục năm miệt mài sáng tạo, họa sĩ Trần Thanh Thục đã khẳng định vị trí của mình trong nền mỹ thuật Việt Nam với chất liệu tranh cắt vải.

Tranh của bà cũng có mặt trong nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước. Với niềm đam mê và sự kiên định theo đuổi nghệ thuật tranh vải, bà đã góp phần khẳng định giá trị của chất liệu này trong hội họa, mở ra một hướng đi riêng biệt và đầy ấn tượng.

Sắp tới, trong ngày đầu tiên của tháng 4/2025, không gian Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ trở nên ấm áp, đầy cảm xúc với tiếng kể chuyện của những mảnh vải. Triển lãm cá nhân lần thứ ba của họa sĩ Trần Thanh Thục mang tên “Nghe vải kể chuyện” chính thức mở cửa đón công chúng đến hết ngày 8/4/2025, đem đến một không gian nghệ thuật đậm chất riêng biệt.

Với triển lãm này, dù đã bước qua tuổi lục tuần, họa sĩ Trần Thanh Thục vẫn không ngừng sáng tạo, không ngừng ước mơ và tiếp tục thử thách bản thân. Đó chính là thông điệp mà bà muốn gửi đến những người yêu nghệ thuật và những ai luôn khát khao tìm kiếm vẻ đẹp từ những điều giản dị nhất. Thông điệp bảo vệ môi trường, nhân lên mầm xanh sự sống… được bà đan cài, thể hiện tinh tế, cũng là nét mới của triển lãm lần này.

Triển lãm “Nghe vải kể chuyện” trưng bày 75 tác phẩm, mỗi bức tranh là một phong cảnh, một góc nhìn riêng của tác giả. Đặc biệt có những bức trường cảnh khổ lớn 200cm x 90cm - một thử thách không nhỏ mà bà đặt ra cho chính mình.

Trong góc nhà nhỏ, giữa ánh điện khuya, họa sĩ Trần Thanh Thục vẫn miệt mài với công việc cắt, xếp những mảnh vải sắc màu. Kho vải mà bà đã gom góp suốt bao năm nay, là cả một thế giới của những cảm xúc và kỷ niệm. Dưới bàn tay bà, từng miếng vải tựa những mảnh ghép của ký ức, của những giấc mơ và tình yêu. Mặc dù người chồng đã rời bỏ cõi đời, nhưng bà luôn cảm giác rằng ông luôn luôn ở đó, vẫn chia sẻ với bà như chưa có bất cứ điều gì phai nhòa.

Ngày xưa, khi cuộc sống còn đầy khó khăn, hai vợ chồng chỉ đủ tiền mua một bát phở cho con gái. Họ ngồi bên nhau, nhìn con ăn ngon lành, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc không thể diễn tả thành lời. Đó là những khoảnh khắc giản dị, nhưng đầy ý nghĩa, những giây phút mà họ biết rằng mình giàu có nhất, không phải về vật chất mà là tình yêu và sự gắn kết trong gia đình. Họa sĩ Trần Thanh Thục nhớ lại thời gian ấy, khi cái nghèo không thể làm nhạt phai tình yêu giữa hai vợ chồng. Bây giờ, khi ngồi trong kho vải, bà như thấy sự hiện diện của người chồng trong từng cuộn vải, như những cuộc trò chuyện cũ, như những ngày tháng ấy vẫn còn vẹn nguyên.

Trong suốt hành trình sáng tạo, Trần Thanh Thục đã không ngừng cống hiến và khẳng định tài năng. Với bà, vải không chỉ là chất liệu để tạo nên nghệ thuật, mà còn là phương tiện để thể hiện tình yêu cuộc sống. Mỗi bức tranh của bà đều là một câu chuyện, một ký ức mà bà yêu thương, khắc khoải. Và chắc chắn, tình yêu ấy sẽ còn mãi, là nguồn cảm hứng bất tận cho những thế hệ nghệ sĩ mai sau.


Ngày xuất bản: 2/4/2025
Tác giả: Lữ Mai
Trình bày: Ngô Hương