Thể loại đã được xác định rõ, tác phẩm “hồi ký” này ra đời để nhìn lại cuộc đời mấy chục năm của một nữ sinh đã rời xa bến đò chợ Mai còn đẫm hơi sương một ngày tháng 6/1945 ấy để theo cách mạng cho đến cuối những năm 1990. Cuốn sách như tác giả bày tỏ còn thay lời tâm sự nghẹn ngào trả lời câu hỏi của người mẹ, của gia đình sau mấy chục năm ly tán và gặp lại.
Thẳng thắn, không né tránh nhưng cũng thừa nhận còn những “góc chết” mà mình muốn quên, cuốn sách để lại những khoảng ngân rung trong lòng người đọc về câu chuyện một số phận, một con người nhưng cũng là một lát cắt sinh động và dữ dội của lịch sử dân tộc.
Trong đó, điều lôi cuốn nhất, hấp dẫn nhất ngoài sự chân thành, thẳng thắn và cũng đầy tiết chế trong giọng văn chính là phẩm cách phụ nữ toát lên từ toàn bộ tác phẩm. Phẩm cách phụ nữ Việt Nam, thể hiện ngay từ cái tên “Gánh gánh… gồng gồng…” suốt một đời chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ, nghị lực mà cũng vô cùng nhân hậu, bao dung.
Mùa thu này, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, lại theo đôi chân dẻo dai của người con gái làng Nham Biều, Thừa Thiên Huế rong ruổi khắp các chiến trường, từ bắc vào nam từ đông sang tây… để hiểu hơn sức mạnh của yêu thương và tinh thần quả cảm của một người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ.
Chỉ có thể là Mẹ
20 tuổi, một mình chuyển dạ trên con thuyền rách giữa dòng, bên hai người chèo đò xa lạ, đến nỗi đã nhoài người ra tìm cái chết. Người chồng chiến trận liên miên, bà mẹ trẻ tha con đi khắp các mặt trận vừa nuôi con, vừa sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ của đơn vị luôn đứng giữa lằn ranh sinh-tử.
Ngay trong ngày chiến thắng, cuộc trở về Thủ đô cũng không phải trong cờ hoa mà trong những bước dài lê thê tướp máu, đói khát với hai gánh con cái, đồ đạc trên vai. Cũng không thể gọi tên điều gì khác ngoài sức mạnh, bản năng người Mẹ được tôi luyện khắp các chiến trường khi Xuân Phượng một mình hồi sức cứu sống con bất chấp các bác sĩ đã buông tay…
Hơn 300 trang sách có quá nhiều những khoảnh khắc “lặng người” như vậy. Đau đớn, thử thách nhưng không ồn ào mà dường như mọi thứ đều nén lại, lặn vào trong.
Soi chiếu từ phẩm cách này, cũng là để hiểu vì sao một nữ sinh 16 tuổi sống trong nệm trắng, chăn êm, học trường Pháp ngữ Bồ Câu Trắng trên xứ sở sương mù Đà Lạt lại cứ thế đi vào cuộc chiến đấu gian khổ của dân tộc một cách bình lặng mà cũng kiên cường như vậy.
Cuốn sách có những câu thủ thỉ của người Mẹ khiến ta có thể yên tâm mang theo suốt cuộc đời: “Năm tôi mười lăm tuổi, bà ngoại dặn: Con ơi, ở với người xấu rất dễ xử, khó nhất là đối xử sao cho đủ đầy với người tốt”. Và “Sống tử tế là cách sống khôn ngoan nhất”.
Tính nữ đầu tiên có phải là sự nhạy cảm khi nhận ra cái phần bất công đang diễn ra ngoài ngôi nhà êm ấm của mình, nhận ra phần lý tưởng đẹp đẽ trong cuộc chiến đấu của những người ruột thịt?
Dấu ấn nữ tính thể hiện trong đời sống chiến đấu hằng ngày, trong chăm sóc, nuôi dạy con từ việc học người dân bản địa trồng cấy, sản xuất thủ công đến việc mang kiến thức từ trường Pháp cuộc sinh nhai như làm bánh, dịch sách báo, phim ảnh...
Tính nữ dịu dàng, lãng mạn tràn trề trong trang viết về mối tình đầu, về đêm trăng đàn hát bên miếu hoang với người bạn gái. Tính nữ mạnh mẽ, thà chết chứ không chịu khuất phục trước sự trù dập của tay bác sĩ Trưởng trạm mất nhân cách.
Nhưng tiềm ẩn và mạnh mẽ nhất trong tính nữ của người con gái Nham Biều lại nằm ở sự chịu đựng, tha thứ “khép lại quá khứ mà không quên đi quá khứ” khi bị em chồng phân biệt đối xử giữa lúc bơ vơ. Và ngay cả khi đã yên ổn với vai trò Trưởng phòng khám Nhi tại Hà Nội, Xuân Phượng lại một lần nữa vào chiến trường với nhiệm vụ mới, nỗ lực mới để vượt qua chính mình: làm phóng viên chiến trường, đạo diễn phim tài liệu.
Có lẽ, không có nơi nào như chiến tranh vừa khốc liệt nhưng cũng vừa là thứ thuốc làm hiện hình phẩm cách con người, đặc biệt là người phụ nữ. Bởi lẽ, họ không chỉ chiến đấu, tồn tại cho bản thân, họ còn làm thiên chức người mẹ, người vợ với khả năng chịu đựng, vươn dậy phi thường.
Cuốn sách có những câu thủ thỉ của người Mẹ khiến ta có thể yên tâm mang theo suốt cuộc đời: “Năm tôi mười lăm tuổi, bà ngoại dặn: Con ơi, ở với người xấu rất dễ xử, khó nhất là đối xử sao cho đủ đầy với người tốt”. Và “Sống tử tế là cách sống khôn ngoan nhất”.
Lan tỏa một năng lượng dồi dào
Không hiểu sao mỗi trang sách đều thấm nước mắt mà người đọc không thấy bi quan, chỉ thấy lan tỏa một sức sống bền bỉ, một tinh thần vượt khó không phải chỉ của tác giả, mà còn là của những người sống quanh bà. Đó cũng là tinh thần hy sinh, cống hiến của cả một thế hệ. Như Nam, như Hoàng, như những nhà làm phim quốc tế không ngại hiểm nguy mang những hình ảnh chân thực về cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam ra thế giới…
Chiến tranh tàn khốc bao nhiêu thì công cuộc xây dựng đất nước trong hoà bình cũng dữ dội bấy nhiêu. Hạn chế của cuộc cải tạo tư sản, rồi của thời bao cấp… ít nhiều làm tổn thương cả người trong cuộc, người chứng kiến. Nhưng một lần nữa, tinh thần chủ động, chịu thương chịu khó, thái độ trọng tri thức, học hành từ người phụ nữ đã góp phần tạo ra một trường năng lượng tích cực cho cộng đồng.
Không hiểu sao mỗi trang sách đều thấm nước mắt mà người đọc không thấy bi quan, chỉ thấy lan tỏa một sức sống bền bỉ, một tinh thần vượt khó không phải chỉ của tác giả, mà còn là của những người sống quanh bà.
Câu chuyện ở khu tập thể số 1 Lê Phụ Hiểu nơi gia đình Xuân Phượng ở từ năm 1954 đến 1986 là một thí dụ: “Vất vả, khó nhọc để mưu sinh nhưng bao giờ việc học hành của con cái vẫn là ưu tiên hàng đầu, là trọng tâm cho mọi lo lắng của bố mẹ… Cách giáo dục con cái biết đề cao học vấn trong mọi khó khăn, là một điều đặc biệt của khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu trên một ngàn người này.”
Đây cũng là nơi diễn ra những câu chuyện ân tình gắn liền với tên tuổi của nhiều văn nghệ sĩ lớn, gắn liền với đời sống tập thể yêu thương, đùm bọc của Hà Nội một thuở…
Nhưng nhịp gánh gánh gồng gồng chưa dừng ở đấy. Nữ nhà báo chiến trường, đạo diễn phim tài liệu còn tiếp tục trăn trở cả khi đã bước vào tuổi 60: “…không hiểu sau khi về hưu mình sẽ làm gì…Vậy phải làm gì đây để nuôi sống mình, lo cho các con, cháu?”. Câu chuyện bà mang tranh Việt Nam ra triển lãm ở nước ngoài, cũng như việc mở phòng tranh ở trong nước là một dấu ấn hành động của người phụ nữ không cam chịu và phó mặc. Cuốn sách dành nhiều trang viết sau này cho câu chuyện trên cùng những cuộc gặp của bà với bạn bè thế giới như một mong mỏi “nói về Việt Nam đâu chỉ có chiến tranh.”
“Gánh gánh… gồng gồng…” của một tác giả ở tuổi 90 quả thực mang đầy năng lượng sống tích cực của một người phụ nữ, một người như thể đã gánh trên vai hết thảy những buồn vui trong dài dặm cuộc đời.